Nghĩa trang huyền thoại

Hàng năm, cứ vào tháng bảy, tháng đặc biệt hành hương về nguồn, lượng khách đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn càng tăng lên, dù trong năm, ngày nào cũng đều có khách đến viếng. Dưới trời cao lồng lộng và khoáng đạt Trường Sơn, trong sắc nắng vì thế mà trở nên rực rỡ hơn và sắc cây xanh thắm hơn, từng đoàn xe khiêm nhường nép bên cây, từng đoàn người lẫn trong mênh mang Nghĩa trang, cung kính nhang khói và chuyện trò miên man với những mộ phần, trong nỗi luyến lưu không dứt.

 

Anh Nguyễn Văn Anh, Phó Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tiếp chúng tôi tại nhà đón tiếp, anh kể với niềm phấn khích: “So với 2-3 năm trước đây, lượng khách đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện đã tăng 40-50%. Bình quân giờ đây, mỗi ngày có khoảng từ 7 đến 10 đoàn với tổng số 300 người đến thăm viếng. Ngày nào cũng có khách Tây đến. Mùa hè, học sinh các trường đến viếng rất đông. Vào những đêm sáng trăng, thanh niên nam nữ đến hát hò ở Nghĩa trang đến khuya”. Lời kể của anh Anh chợt làm “loé” lên trong tiềm thức tôi về một triết lý nằm sâu trong mạch nguồn văn hoá dân tộc: đến với nghĩa trang không phải là đến nơi chết chóc, không phải sợ hãi trước cái chết, mà chính cái chết hoá thành bất tử đã làm phục sinh cho cõi sống. Vì thế, đến với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là để tưởng niệm, ghi nhớ công ơn trời biển của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã đổ máu đào tô thắm đất này, đồng thời còn là để cho lòng ta thanh cao hơn, hướng thượng hơn, tôi luyện thêm trong ta bao nhiêu ý chí mới, sức mạnh mới. Cuộc trò chuyện giữa anh Anh và tôi đang vào hồi sâu lắng bỗng phải dừng lắng khi có đoàn khách từ Đà Nẵng đến viếng Nghĩa trang. Sau khi đặt vấn đề với Ban quản lý Nghĩa trang, đoàn đã được các nhân viên quản trang đưa đến dâng hương tại nhà khánh tiết. Tôi “bỏ quên” anh Anh, vội chạy theo đoàn. Trong nhà khánh tiết, anh nhân viên quản trang đang xướng ngôn một cách trang trọng và cảm khái từng lời viếng mà có lẽ anh đã thuộc đến nhập tâm. Giai điệu bi hùng, thống thiết của bài “Hồn tử sĩ” được cất lên. Khoé mắt tôi bỗng cay nồng. Nắng Nghĩa trang rưng rưng, xốn xang lạ lùng theo điệu nhạc. 
*Huyền thoại về “cây Bồ đề thiêng” và mạch nước ngầm
So với hồi tỉnh Quảng Trị mới được lập lại (năm 1989), cũng là hồi tôi mới đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn lần đầu, bây giờ, phải nói rằng, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã có những thay đổi vượt bậc nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, với những đường nét hoành tráng hơn, kỳ vĩ hơn và mỹ thuật hơn của hệ thống các công trình tưởng niệm. Nghĩa trang đã được xây dựng hoàn tất giai đoạn I (từ năm 1999 đến 2002) với tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục như: nâng cấp 10.263 vỏ mộ, xây dựng tượng đài chính, vườn tượng, mở rộng đường đi lại, xây dựng nhà khánh tiết, nhà đón tiếp, nhà nghỉ của thân nhân liệt sĩ, nhà ở của nhân viên quản trang...Trải qua quá trình nhiều năm, nhiều giai đoạn xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, có hai sự tích in đậm dấu ấn lên các công trình xây dựng cũng như lên toàn cõi thiêng liêng của Nghĩa trang, được coi là những sự tích mang tính “huyền thoại”, đó là sự tích về “cây Bồ đề thiêng” và mạch nước ngầm. Bởi thế, tôi đã không quên gợi chuyện về cây Bồ đề với anh Anh: 
- Anh có biết cây Bồ đề mọc từ năm nào không? 
Thay cho câu trả lời, anh Anh đi tìm cuốn sổ lưu niệm của Nghĩa trang đưa cho tôi xem, để “nói có sách, mách có chứng”. Những trang đầu tiên của cuốn sổ lưu niệm trang trọng in bài viết của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, trung tướng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trong đó có nhắc đến hai sự tích huyền thoại nói trên. Tôi đọc với niềm đồng cảm thấm thía mà ngỡ như đang được sống với những trải nghiệm tuyệt vời, những ký ức lịch sử sâu sắc của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên về cõi thiêng Trường Sơn. Gấp lại trang văn của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, tôi tìm đến khu tượng đài chính dựng trước cây Bồ đề, để bước vào huyền sử Trường Sơn, bước vào huyền thoại cây Bồ đề. Sau tượng đài “Tổ quốc ghi công”, cây Bồ đề vừa toả rợp bóng mát, vừa giang rộng cánh tay ôm lấy tượng đài, chở che, đôn hậu như vòng tay của Mẹ Việt Nam. Vào cuối năm 1976, lúc chuẩn bị khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, cây Bồ đề này đã được phát hiện, lúc đó, cây cao 0,8 m, tự mọc ở phía mặt sau Đài tưởng niệm. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã giao cho Ban quản lý Nghĩa trang đắp đất quanh gốc cây Bồ đề, rào cây lại và trông coi cẩn thận. Hàng năm, cây Bồ đề tự mọc hiếm có này đã lớn lên rất nhanh. Vào năm 1999, lúc Bộ LĐTBXH cho thiết kế, cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra yêu cầu: bất luận trong trường hợp nào, cây Bồ đề vẫn phải được giữ gìn nguyên vẹn. Yêu cầu này đã được các nhà kiến trúc thiết kế việc cải tạo Đài tưởng niệm rất đồng tình, ủng hộ. Điểm đặc biệt nữa của cây Bồ đề này là thân có 3 cành phát triển đều nhau, ôm hẳn 3 cạnh của Đài tưởng niệm (cũ) mà theo thiết kế cũ, 3 cạnh của Đài tượng trưng cho 3 miền Bắc-Trung-Nam. Tiếng lành đồn xa, một số nhà tu hành đạo Phật đã đến cầu kinh ở Đài tưởng niệm và gốc cây “Bồ đề thiêng”. Theo các nhà sư, đây là cây Bồ đề tự mọc đẹp kỳ lạ, hiếm thấy. Và cây Bồ đề này đã ngát thơm hương triết lý trong những trang văn xúc động thẳm sâu của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên: “Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi đây. Hàng ngày có hàng trăm gia đình liệt sĩ đến viếng, khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, ai cũng muốn ngắt một lá cây Bồ đề thiêng cho vào túi để lấy phúc.
      Mong rằng mọi người cùng nhau giữ lấy cây Bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây, đừng hái lá, bẻ cành ảnh hưởng tới sự phát triển tôn nghiêm của cây, để phúc đức của liệt sĩ Trường Sơn đời đời ban tặng cho chúng ta”
Nằm bên cạnh đường vào Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và phía trước mặt Đài tưởng niệm là hồ nước bốn mùa xanh thẫm bóng cây. Năm 1975-1976, bộ đội Trường Sơn đã đào hồ nước này để vừa trữ nước mưa, vừa tạo cảnh quan mát mẻ cho Nghĩa trang. Ai cũng lo vào mùa nắng hạn gay gắt ở miền Trung, nước hồ sẽ cạn kiệt. Nhưng điều đó đã không hề xảy ra. Khi bộ đội ta đào xuống sâu gần 2 m, tại một vị trí cách tường rào phía Tây của Nghĩa trang về bên trong là 9 m bất ngờ bắt gặp một mạch nước ngầm phun trào rất mạnh. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định cho đào hồ sâu hơn, rộng hơn. Từ đó đến nay, hồ luôn đầy nước. Cả trong những năm hạn hán, nước hồ có vơi nhưng vẫn không bao giờ khô kiệt. Để tạo thêm vẻ đẹp cảnh quan, ở chỗ gần mạch nước ngầm, bộ đội Trường Sơn đã đắp đất thành một đảo nhỏ và dựng lên đó tượng một cô giao liên xinh xắn, duyên dáng. Trong lần nâng cấp Nghĩa trang từ năm 1999 đến cuối năm 2002, các nhà kiến trúc đã đánh giá cảnh quan đảo và tượng đảm bảo hài hoà, thẩm mỹ, cần giữ nguyên. Vẻ đẹp của hồ nước độc đáo này đã ánh lên lấp lánh, lung linh trong trang viết của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Đây lại một phúc âm nữa của liệt sĩ Trường Sơn ban tặng. Mong du khách, đồng bào hãy gìn giữ vệ sinh, đảm bảo nước hồ luôn trong xanh, soi bóng hàng cây đa loại quanh hồ, tắm mát hương hồn liệt sĩ”.     
Gìn giữ, chăm sóc, bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trong đó có cây Bồ đề và mạch nước ngầm huyền thoại là công việc cao đẹp của những người quản trang. Nghề quản trang ở một nghĩa trang lớn như Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là một nghề khá đặc biệt. Anh Anh tâm sự với tôi về tính chất đặc thù nghề nghiệp: 
- Công việc chính của nhân viên quản trang gồm hai việc: chăm sóc phần mộ liệt sĩ và đưa đón, hướng dẫn khách tham quan, làm lễ viếng. Có những lúc khách đến viếng vào 12 giờ trưa, những lúc đó, 1 giờ trưa, nhân viên quản trang còn ở trên Đài Tổ quốc ghi công để phục vụ khách, giờ giấc không kể. Đội ngũ quản trang ở đây có 15 chính thức, 5 hợp đồng, phần lớn đều xa nhà, phải cuối tuần hoặc nửa tháng mới về thăm nhà được. 
- Đời sống của cán bộ, nhân viên quản trang so với trước đây đã có những đổi thay gì? - Tôi hỏi với niềm chia sẻ.
- Tôi về đây làm quản trang từ năm 1981, rồi làm Phó Ban quản lý Nghĩa trang từ năm 1988 đã chứng kiến nhiều đổi thay ở đây. Giai đoạn những năm tám mươi là giai đoạn thắp đèn dầu. Điện có ở Nghĩa trang từ năm 1996. Nay nhà ở của nhân viên quản trang đã có điện, nước đầy đủ - Anh Anh khẳng định một điều đã chắc như đinh đóng cột - So với trước là một trời, một vực. 
*Đoá hoa vô thường 
Tôi chợt nhớ lại, khi đi lên khu tượng đài chính của Nghĩa trang dựng phía trước cây Bồ đề thiêng, tôi đã dừng lại khá lâu với cụm tượng bằng đá ghép khắc tạc sống động vóc dáng huyền thoại hào hùng của chiến sĩ Trường Sơn trên nhiều mặt trận như: phá bom mở đường, dùng hoả lực tấn công địch, lắp đặt nối thông đường ống dẫn dầu, đảm bảo thông tin liên lạc...Bên những nét hùng tráng, tôi đặc biệt chú ý cụm tượng đá này còn đặc tả một nét lãng mạn trữ tình: hình một nữ chiến sĩ Trường Sơn vai mang súng, tay cầm một đoá hoa rừng Trường Sơn ngắm nghía, thưởng ngoạn. Quả đúng là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và đánh với một phong thái lãng mạn cách mạng: “Ngắt một cánh hoa rừng cài lên mũ ta đi”. Khi đất nước có giặc, người phụ nữ phải chịu đựng nỗi đau mất mát, hy sinh nhiều nhất. Thời trước, ông cha ta đã để lại những tượng đài phụ nữ buồn thương đẫm lệ Chinh phụ ngâmHòn vọng phu. Thời đánh Mỹ đã có những tượng đài bà mẹ bi hùng: “Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con, lần lượt ra đi, đi mãi mãi...”. Khi đất nước hoà bình, người phụ nữ vẫn lặng lẽ, âm thầm hy sinh trong thiên chức chịu thương chịu khó của mình. Chị Đoàn Thị Hồng, quê ở Đồng Hới, Quảng Bình, đi bộ đội rồi về làm nhân viên quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là người phụ nữ mang nặng một nỗi đau tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng. Ngay trong thời bình, chị vẫn phải chịu nỗi đau mất chồng vì chiến tranh, mất con vì tai hoạ bất ngờ, chịu hai cái tang liền trong cùng một năm, quả là “hoạ vô đơn chí”. Chồng chị, anh Nguyễn Duy Sanh là thương binh loại A, được công nhận năm 1983. Giã từ quân ngũ, chiến trường không chịu buông tha anh mà vẫn găm vào trong phổi anh một đầu đạn quái ác. Chỗ vết thương đầu đạn đeo bám vào vẫn không sao cắt được vì bác sĩ bảo sức khoẻ không cho phép. Vết thương mang đầu đạn cứ lở loét mỗi ngày một nặng thêm, người anh nổi cơn sốt rét ác tính, da cứ vàng đi. 
- Vàng như màu áo mà chị đang mặc đây - Chị xót xa kể, tay trỏ vào chiếc áo vàng đang mặc, trên ngực áo hồi xuân còn đầy đã phải đính chiếc băng tang.
Cho đến năm 2002, đầu đạn quái ác đã chuồi xuống phổi, cướp mất đi hơi thở của anh. Trước lúc anh mất chừng hai tháng, thằng nhỏ con của anh chị vốn bị bệnh động kinh đã ngã suối chết dưới cầu treo Bến Tắt, chiếc cầu bắc ngang qua phía sau lưng nhà chị. Đau thương đến tận cùng tê tái khiến chị không khóc nổi nữa. 
- Chị nghĩ, thằng cu chị chắc bị di chứng của chất độc da cam - Chị nói với nỗi tức tưởi không nguôi. 
Miên man chuyện chồng con, chị kể đứa con gái đầu vừa rồi vào Sài Gòn thi đại học luật đã bị móc túi, mất đứt một triệu sáu mẹ đã chắt bóp, dành dụm. Ngày thi đã cận kề, con gái mếu máo điện ra xin tiền mẹ, chị phải xoay xở gửi gấp vào cho con thêm một triệu nữa. Chuyện đời kể cũng đáng để suy ngẫm: Mẹ vừa chưa ra khỏi di hoạ của chiến tranh, con chập chững vào đời đã phải đối mặt với mặt trái thị trường, chụp giựt. 
Dẫu sao, tôi vẫn mừng cho chị Hồng đã làm được nhà xây đàng hoàng, nền nhà đã láng xi măng cho tôi ngồi bệt thoải mái để cảm nhận những đổi thay trong đời sống của người quản trang như anh Anh đã nói. 
- Đời sống đã đỡ dần. Lương chị trừ các khoản còn được 738 nghìn đồng. Công việc cũng vất vả, có khi tối mịt mới về nhà, giống như người vác tù và hàng tổng rứa đó - Chị cười thoải mái như chưa từng biết đến đau thương là gì. 
Nhưng mà nắng Trường Sơn vẫn cứ rưng rưng trước sân nhà chị Hồng. Và bỗng nhiên tôi tình cờ bắt gặp cạnh sân nắng, phía bên phải vườn nhà chị Hồng có một cây quỳnh vàng lá vì cháy nắng, cây quỳnh đứng một mình, không có bóng cành giao và có lẽ cũng không người chăm sóc. Nhưng quỳnh không chịu héo mà cứ cháy đến rưng rức, nhức nhối. Chao ôi, cả đến đôi ba khoảnh khắc thư nhàn ngồi chờ một đoá quỳnh nở để chiêm nghiệm về lẽ vô thường của trời đất, Hồng cũng không có được nữa ư! Nhưng có hề chi, đời Hồng đã như một đoá hoa rừng tươi thắm trong tay cầm ngắm nghía của nữ chiến sĩ Trường Sơn, như hình ảnh đã được tạc sâu vào đá trong vườn tượng Nghĩa trang, đoá hoa vẫn nở bất chấp nắng mưa, bão giông, sấm sét, lửa đạn vô thường. Hồng đã là một đoá vô thường. Không chỉ chịu đựng nỗi đau Hòn vọng phu của đời mình, Hồng còn đủ sức vượt lên để cùng tập thể cán bộ, nhân viên quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn san sẻ, chia sớt với bao nỗi đau Hòn vọng phu của hàng ngàn phụ nữ khác trên khắp mọi miền Tổ quốc. 
- Làm quản trang đã lâu, chắc chị có nhiều dấu ấn nghề nghiệp, nhiều niềm linh cảm, nhiều nỗi động lòng trắc ẩn...mà những nghề khác không có được? -   Tôi dò hỏi “bí mật nghề nghiệp” của chị.
- Có chứ. Có lúc tôi nằm mơ thấy một ông đội mũ có sao, bị thương lòi ruột ra ở phía bên phải, bảo: “Người nhà tôi sắp vào thăm đấy”. Sáng hôm sau, khoảng lúc 9 giờ, thấy có hai người con đến thăm mộ bố, tôi bèn hỏi bố các cháu hy sinh trong trường hợp nào. Hai người con đáp: “Bố cháu bị thương ở bên phải, bị lòi ruột ra”. Thật đúng y như tôi đã nằm mơ. Tôi còn nhớ tên khắc trên phần mộ liệt sĩ đó là Nguyễn Thế Hường, quê ở Hà Bắc - Chị Hồng say sưa kể như đưa tôi vào một thế giới cổ tích mộng mị - Có hôm, một chị ở đường xa đến viếng mộ liệt sĩ, gặp lúc trời mưa to quá, không thể đốt giấy tiền được, chị đã gói giấy tiền lại trong ni lông cho khỏi ướt, rồi nhờ tôi đợi tối tạnh mưa lên đốt giúp cho chị. Tối đó, tôi bận việc chưa lên đốt được. Đêm đó, tôi nằm chộ liệt sĩ quở trách: “Sao chị chưa đốt giấy cho tôi?”. Sáng mai, tôi đã giục ông xã tôi lên đốt. 
Kể ra những chuyện này, xin đừng ai vội cho đó là chuyện mê tín. Quy luật tâm lý cho thấy rằng, điều gì ám ảnh nhiều, điều đó sẽ đi vào trong giấc mơ. Không, tôi không hề giản đơn nghĩ rằng chị Hồng mê tín, chính xác hơn, chị đã mang một nỗi ám ảnh nghề nghiệp sâu sắc mà nếu thiếu nó, người ta không thể nào hành nghề được, nhất là đối với những nghề đòi hỏi rất cao đến thiên chức, đến lương tâm và đặc biệt, cả đến nước mắt nhân bản nữa, như nghề quản trang. Cây “Bồ đề thiêng”, cây “điềm lành”, cây “phúc âm”, nói theo chữ dùng của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã toả rợp bóng xuống tâm tư, tâm nguyện của những người làm quản trang liệt sĩ Trường Sơn vậy. 
*Mai này, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn  
Vào lúc mà tôi cùng anh Anh và bao nhiêu khách có mặt trong những tháng ngày cao điểm hành hương về nguồn đang lắng theo điệu nhạc “Hồn tử sĩ” ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn chính là lúc anh Lê Vũ Bằng, giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh đang ở Hà Nội để dự một cuộc họp giữa Bộ LĐTBXH với các Bộ, ngành liên quan về việc lấy ý kiến đóng góp cho dự án đầu tư xây dựng giai đoạn II Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (còn gọi là Khu lâm viên gợi nhớ Trường Sơn). Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ xin ý kiến trước khi Bộ phê duyệt. Thực hiện dự án này, sẽ có một cõi Trường Sơn huyền sử được dựng lại. Cõi thiêng này không chỉ đóng khung trong Nhà trưng bày hiện vật bộ đội Trường Sơn mà được tái hiện nguyên mẫu sinh động trên thực địa, với nhiều hạng mục thể hiện hình ảnh về huyền thoại Trường Sơn như: hầm chỉ huy Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, trạm giao liên-bãi khách, lán đại đội bộ đội công binh và nữ thanh niên xung phong, đường gùi thồ, đường giao liên hành quân, đường ống dẫn dầu, đường kín, đường cầu nghi binh và phương tiện nghi binh, trọng điểm bị đánh phá, hầm nổi-bãi xe cơ giới, bản đồng bào dân tộc, dấu ấn Trường Sơn bên sông Bến Hải, đảo lán nghỉ giữa hồ...Từ những thành công cuả dự án xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn giai đoạn I, nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Quảng Trị cũng như đông đảo khách đến thăm viếng Nghĩa trang đang thiết tha mong mỏi dự án xây dựng Nghĩa trang giai đoạn II sớm được đầu tư xây dựng để cho bao thế hệ hôm nay và mai sau được truyền đời cho nhau bảo lưu, gìn giữ vẹn nguyên cõi Trường Sơn bất tử. 
- Có một tiện lợi là đường Hồ Chí Minh đã mở ngay trước mặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, khách đến càng đông hơn - Trong lời anh Anh nói, tôi nghe có một niềm dự cảm rủ rê - Khách đi theo đường Hồ Chí Minh về viếng Nghĩa trang rồi ra Phong Nha, di sản thiên nhiên thế giới gần hơn đi đường Quốc lộ I khoảng 40-50 km, khách sẽ còn tăng. 
Niềm dự cảm sẽ trở thành hiện thực, rằng một ngày không xa nữa, khi Cõi Trường Sơn được phục dựng hoàn chỉnh (thông qua đầu tư giai đoạn II), Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn sẽ vẫn mãi là địa chỉ đỏ của khách hành hương, sẽ vừa là địa chỉ lý tưởng của loại hình du lịch hồi tưởng. Mấy năm gần đây, tôi đã thấy hình ảnh chiếc mũ tai bèo có thêu chữ “Kỷ niệm Trường Sơn” do người Huế làm được đưa ra chào hàng với khách bên đường vào Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hiện nguồn mũ tai bèo ở đây vẫn phải nhập từ Huế ra, duy chỉ có dòng chữ “Kỷ niệm Trường Sơn” đã được thêu ở Đông Hà. Để khai thác tốt lợi thế phát triển kinh tế-du lịch-dân sinh của tuyến đường Hồ Chí Minh, cần có rất nhiều sản phẩm du lịch do người Quảng Trị tự làm, xin hãy bắt đầu từ chiếc mũ tai bèo chẳng hạn, tại sao không?
Trước mặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đang tung bụi hồng những đoàn xe hối hả vào công trường mới. Bụi hồng xây dựng thời công nghiệp hoá hay bụi hồng kháng chiến nâng bước những đoàn quân ra trận. Không biết nữa. Trên đường Hồ Chí Minh, nẻo đến tương lai cũng chính là nẻo về quá khứ. Xuyên thời gian. Và tôi cứ sống với huyền thoại “cây Bồ đề thiêng”, mạch nước ngầm, sống với những ám ảnh vô thường của thiên chức nghề nghiệp quản trang nơi chị Đoàn Thị Hồng, và Trường Sơn bất tử đã cho tôi nhiều mộng mị tuyệt vời và nhiệm màu hơn cả Từ Thức lên tiên. 

7-2003