Hơn 500 cựu chiến binh dự đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ

(Dân trí) - Lễ Tri ân và Lưu danh Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu tại Quảng Trị. Cũng trong dịp này, đại sách độc bản “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” lần đầu tiên được giới thiệu.
Đại sách độc bản “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” ghi danh 4.000 Anh hùng liệt sỹ. (Ảnh: TTX)

 

Đây là hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2011 và để đáp ứng ước nguyện cháy lòng của đông đảo các gia đình thân nhân liệt sĩ và đồng đội của các chiến sĩ đã hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
 
Đại lễ thả hoa đăng tại bến Hoa bên dòng sông Thạch Hãn sẽ diễn ra đêm 9/7. Đại lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ do Thượng tọa Thích Chiếu Tạng - Phó Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo Hà Nội cùng 200 chư tôn hoà thượng và Tỉnh hội Phật Giáo Quảng Trị chủ trì sẽ diễn ra từ 6h - 19h ngày 10/7/2011.

Chương trình sẽ có sự tham dự của 500 cựu chiến binh đã chiến đấu ở Quảng Trị những năm 1972.

Ông Đoàn Mạnh Phương, trưởng ban tổ chức cho biết, tâm điểm của chương trình là Lễ tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị diễn ra vào lúc 20h ngày 10/7; Đại sách độc bản “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” - cuốn sách lần đầu tiên công bố danh sách hơn 4.000 dòng tên các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị và từ các hướng bảo vệ Thành cổ. Đây là công trình được thực hiện trong 2 năm. Sách có kích thước 1m x 0,7m. Những người làm biên soạn hy vọng đây sẽ là cuốn sách xác lập kỷ lục Việt Nam: “Cuốn đại sách lớn nhất lưu danh tên tuổi liệt sĩ hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Cùng đó, hàng ngàn ấn phẩm “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” cũng được in để trao tặng cho thân nhân liệt sĩ, Ban liên lạc Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị và hệ thống thư viện trên cả nước…
 
Theo ông Phương, phía cuối sách còn để trống nhiều trang trắng nhằm mục đích để những gia đình có liệt sĩ chưa được ghi danh sẽ tiếp tục bổ sung và BTC sẽ dựa vào đó để cập nhật cho sách trong các lần tái bản.
 
Đại sách sẽ được rước từ Quảng trường Ba Đình - Hà Nội đi qua các tỉnh, thành vào đến Thành cổ Quảng Trị và lưu lại tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị để người đến tham quan chiêm ngưỡng.