Kỷ vật và những tấm lòng

Kỷ vật và những tấm lòng
(QT) - Với các sĩ quan hưu trí, có lẽ không có gì quý hơn kỷ vật của một thời xông pha, dồn tâm sức bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Dẫu vậy, họ vẫn tình nguyện dành tặng thứ tài sản vô giá này với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Kỷ vật “kể chuyện” 

Tầm một giờ chiều, điểm trưng bày kỷ vật lịch sử trong khuôn viên Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn lác đác người. Đến dự lễ “Tiếp nhận kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (CAND)” từ sớm, các sĩ quan hưu trí Quảng Trị tần ngần ngắm nhìn từng khẩu súng, đôi móc võng, bộ quân phục cũ, tấm ảnh ố màu… Dường như họ không nỡ rời xa những kỷ vật gắn bó với một thời hoa lửa. Đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, các sĩ quan hưu trí xem tất cả kỷ vật đó là thứ tài sản vô giá. Có người nói: “Trước đây, tôi dặn với con cháu sau này mình qua đời, nhất quyết phải có những kỷ vật này đi cùng. Giờ thì tôi lại có suy nghĩ khác rồi…”. 

Các đại biểu Quảng Trị ngắm nhìn những kỷ vật của một thời hoa lửa


Không rời mắt khỏi bộ quân phục được cấp để mặc trong ngày đầu tiên ra mắt lực lượng Cảnh sát tỉnh Quảng Trị, ông Đào Ngọc Doanh (nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang An ninh thị xã Quảng Trị) chia sẻ: “Tôi giữ nó gần 40 năm nay. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in niềm xúc động, tự hào khi khoác lên mình bộ quân phục thơm nức mùi vải mới. Hàng năm, cứ đến dịp lễ tết, tôi lại lấy nó ra xem, rồi chia sẻ kỷ niệm cùng con cháu. Có lẽ nhờ thế mà hai con tôi đều yêu sắc áo CAND và tiếp tục đi theo con đường cha mình đã chọn”. Tự nhận mình là người hoài cổ, ông Doanh từng có ý tưởng làm một “bảo tàng thu nhỏ” tại nhà để giáo dục truyền thống cho con cháu. Vậy mà, khi thành viên Ban tổ chức cuộc vận động (BTC CVĐ) “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND” tìm đến nhà, ông Doanh đã hào phóng hiến tặng những món đồ tưởng chừng không thể nào rời xa. 

Từng trao tặng nhiều kỷ vật cho các ngành chức năng nhưng ông Nguyễn Đức Lãng (nguyên Trung úy CAND Vũ trang Vĩnh Linh) vẫn bồi hồi khi trao bộ dụng cụ cắt tóc cũ cho cán bộ Bảo tàng CAND. Đến nay, trong giấc ngủ, nhiều khi ông Lãng vẫn mơ về những lần cắt tóc cho đồng đội. Thời ấy, lăn lộn sương gió nhiều, một số anh em ngã bệnh, mỗi lần đưa lược lên chải, ông Lãng lại nhói lòng khi thấy tóc đồng đội rụng từng mảng nhỏ. Sau này, khi cuộc sống đủ đầy hơn, mọi người quen với việc chăm sóc tóc ở tiệm, ông Lãng vẫn cất giữ bộ dụng cụ để làm kỷ niệm. Đối với ông, đây là thứ tài sản bất ly thân. Vì thế, hôm thấy ông Lãng cẩn thận gói ghém bộ dụng cụ cắt tóc cùng ba lô cóc, bi đông, vải dù, màn tuynh, Huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng… rồi trao tặng cho cán bộ Bảo tàng CAND, ai cũng ngạc nhiên.
 

 Chia sẻ với thế hệ trẻ thông tin về kỷ vật


Trong số các đại biểu Quảng Trị vào Huế trao tặng kỷ vật lần này, có một người phụ nữ gương mặt toát lên vẻ phúc hậu tên là Trần Thị Nghêu (trú tại thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng). Năm mới 27 tuổi, bà Nghêu choáng váng nhận tin chồng đã hy sinh. Từ đó đến nay, ngoài hai người con thì kỷ vật của chồng là thứ tài sản quý giá nhất đối với bà. Vậy mà, khi người con trai đang công tác tại Công an tỉnh chia sẻ về CVĐ “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND”, bà Nghêu đã quyết định dành tặng những kỷ vật của người chồng đã mất. Hơn ai hết, bà tin người chồng ở nơi chín suối sẽ ủng hộ quyết định này. Về phần mình, bà Nghêu cũng biếu bức tranh thêu “Những năm tháng tù đày” do chính tay mình thêu. “Sau khi chồng hy sinh, tôi bị giặc bắt. Trong tù, địch tra tấn dã man, tôi cố thêu một bức tranh phòng khi có mệnh hệ gì thì nhờ đồng đội gửi cho con. Năm 1972, nhà tù bị phá, tôi cầm theo bức tranh thêu và chạy vào rừng trốn”, bà Nghêu kể. 

Cứ thế, mỗi kỷ vật gắn liền với một câu chuyện mà khi được chia sẻ cả người trong cuộc lẫn khách tham quan đều rơm rớm nước mắt. Trong không khí xúc động, dường như mọi người xích lại gần nhau hơn. 

Gửi gắm tấm lòng 

Hướng đến kỷ niệm 70 năm “Ngày truyền thống CAND Việt Nam”, 10 năm “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Bộ Công an phát động CVĐ “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND”. Ngay lập tức, CVĐ đã nhận được sự hưởng ứng của các cấp, ngành và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ năm 2013 đến nay, gần 2.900 kỷ vật đã được sưu tầm và đang hoàn thiện hồ sơ khoa học, trong đó có những hiện vật, tư liệu rất giá trị như: Súng AK báng xếp do Đại hội Tổng kết công tác thi đua diệt ác của An ninh Quảng Đà tặng Anh hùng LLVTND Mai Thị Rân; bộ áo quần Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng sử dụng để hóa trang hoạt động cách mạng; tranh sơn mài chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo; đồng hồ Selko – chiến lợi phẩm thu được từ một sĩ quan ngụy năm 1967… 

 Một số kỷ vật lịch sử của các sĩ quan hưu trí Quảng Trị


Đến giờ, các cán bộ Bảo tàng CAND vẫn nhớ như in những ngày tháng vất vả để sưu tầm các kỷ vật lịch sử. Họ ví đây là hành trình “mò kim đáy bể”, “đãi cát tìm vàng” dọc chiều dài đất nước. Tìm được kỷ vật đã khó, thuyết phục để chủ nhân hiến tặng thứ tài sản vô giá này càng gian nan hơn. Có lẽ vì thế mà cán bộ Bảo tàng CAND rất trân trọng tấm lòng của những sĩ quan hưu trí sống trên đất lửa Quảng Trị. Hầu hết họ đều tình nguyện hiến tặng kỷ vật mà không hề so đo, tính toán. Nói về điều này, ông Lê Đức Dũng, Chủ nhiệm CLB Sĩ quan hưu trí cho biết, ngay sau khi CVĐ “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND” được triển khai, Ban chủ nhiệm CLB đã thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến 153 hội viên cũng như các nhân chứng lịch sử. Không nề hà trở ngại về tuổi tác, các ông lặn lội đến nhà một số anh em để vận động, đồng thời tìm hiểu thông tin. Ban đầu, một số người vẫn chưa thông song khi nghe phân tích về tính ý nghĩa xã hội, ai cũng thuận lòng. Thành một phong trào, các hội viên CLB Sĩ quan hưu trí Quảng Trị đều bỏ công sức, thời gian để tìm lại những kỷ vật không chỉ của cá nhân mà còn từ đồng đội và đơn vị từng xuất hiện trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu. Bên cạnh đó, họ tình nguyện làm cầu nối giữa thành viên Ban tổ chức cuộc vận động với mọi người xung quanh. Ông Lê Đức Dũng kể: “Nhiều hôm, tôi nhận được điện thoại của anh em báo tin vừa tìm được kỷ vật thất lạc, nói rồi họ rối rít xin lỗi vì mừng quá nên quên cả giờ giấc, liên lạc giữa đêm khuya. Cũng có lần chúng tôi tiếp nhận kỷ vật của đồng đội đã khuất, nghe kể chuyện, ai cũng không cầm được nước mắt”. Có lẽ chính những cung thanh, cung trầm xúc cảm ấy đã thúc giục những con người ở cái tuổi “muốn được nghỉ ngơi” không cho phép mình ngơi nghỉ, chung tay làm điều ý nghĩa cho đời. 

Hơn 100 kỷ vật lịch sử được thu thập phần nào nói lên sự nỗ lực, tâm huyết của các sĩ quan hưu trí tỉnh Quảng Trị. Trong đó, một số hiện vật có giá trị lịch sử cao như: Phim tư liệu “Theo gót chân chiến sĩ an ninh vào Thành Cổ”; đôi móc võng bằng sừng trâu do Anh hùng LLVTND Trần Hữu Thủy (nguyên trinh sát Ban An ninh thị xã Quảng Trị) tự chế trong những ngày chiến đấu; bộ trang phục Cảnh sát nhân dân do Bộ Công an trang bị để mặc trong ngày đầu tiên ra mắt lực lượng Cảnh sát Quảng Trị năm 1975… Được biết, những hiện vật này sẽ được bổ sung vào kho cơ sở dữ liệu và trưng bày tại Bảo tàng CAND cũng như hệ thống nhà truyền thống của lực lượng CAND. 

“Thế hệ trẻ nói chung và cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng cần biết những thế hệ đi trước sống, cống hiến như thế nào. Lịch sử không còn đặt trên vai những ông lính già như chúng tôi nữa mà đã san qua cho lớp trẻ. Chúng tôi nguyện làm người truyền lửa”, một sĩ quan hưu trí Quảng Trị đã chia sẻ tâm sự ấy khi nghe lời cảm ơn từ Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Trưởng Ban Tổ chức cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND”. Thật đáng quý biết bao tấm lòng những sĩ quan đã nghỉ hưu nhưng vẫn lặng thầm cống hiến! 

Tác giả bài viết: Quang Hiệp