Người anh hùng bên dòng sông tuyến

Người anh hùng bên dòng sông tuyến
(QT) - Nằm dọc theo bờ nam sông Bến Hải, trong chiến tranh Gio Linh là huyện đầu cầu giới tuyến Bắc - Nam ở vĩ tuyến 17, trở thành nơi đối đầu lịch sử giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng. Đối mặt với kẻ thù có tiềm năng về kinh tế và có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới và âm mưu, thủ đoạn cũng thâm độc và tàn ác vào loại bậc nhất, nhưng quân và dân huyện Gio Linh (Quảng Trị) vẫn kiên cường chiến đấu giữ đất giữ làng, giành lại độc lập tự do của Tổ quốc. Ở mảnh đất địa đầu này đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho sự quả cảm kiên trung, của ý chí quyết đánh và biết đánh, của sự sáng tạo và linh hoạt với tinh thần dũng cảm vô song mà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Đức Hai là một trong những tấm gương tiêu biểu ấy.

Sinh ra và lớn lên ở làng Hải Chữ, xã Trung Hải bên bờ nam sông Bến Hải, một con sông hiền hòa thơ mộng nhưng phải mang số phận đôi bờ cách biệt khi buộc phải khoác vào mình “dòng sông giới tuyến”. Cùng với dòng sông lịch sử, Trương Đức Hai lớn lên giữa nỗi đau chia cắt bởi giới tuyến tạm thời nên tuổi thơ anh phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn và chứng kiến những tội ác dã man của Mỹ- ngụy đối với làng xóm quê hương. Chính vì vậy, năm 16 tuổi anh đã tham gia lực lượng vũ trang, nối tiếp truyền thống của cha lên đường đánh giặc. Từ tham gia chống càn bảo vệ vùng giải phóng, rồi bao vây bắn tỉa, đến nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong vùng địch, vừa xây dựng cơ sở cách mạng, vừa diệt ác trừ gian, vừa làm công tác binh địch vận..., ở đâu, làm gì anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hơn mười năm cầm súng, lúc bí mật, khi công khai, lúc “xuất quỷ nhập thần”, anh đã làm cho kẻ địch nhiều phen bạt vía kinh hồn. Oai phong lẫm liệt trước kẻ thù là vậy, thế mà giờ đây ngồi đối diện với tôi là một Trương Đức Hai thật hiền lành và bình dị, rất cởi mở và dễ gần. Nhìn dáng người vạm vỡ và lúc nào cũng vui cười niềm nở không ai nghĩ anh là một thương binh 2/4 và đã ở tuổi 65. 

Trở lại đời thường, Anh hùng Trương Đức Hai vẫn thường xuyên giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ - Ảnh: HNK


Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Trương Đức Hai bộc bạch: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, bởi trong cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù ngay trong lòng địch thì không thể thiếu sự đùm bọc, chở che của nhân dân, cũng như sự hợp đồng chiến đấu chính xác giữa trên- dưới, trong- ngoài… Nhưng một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất, đó là trận đánh vào Quán Ngang trong chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1972, bởi đây là trận đánh có ý nghĩa rất quan trọng vì không chỉ trong huyện, mà là trận hợp đồng tác chiến trên toàn chiến trường Quảng Trị, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn huyện Gio Linh để đưa nhân dân ra khỏi khu tập trung của địch”. 

Vậy trận chiến đấu ấy diễn ra như thế nào? 

“Với trách nhiệm là xã đội trưởng, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng du kích xã Gio Sơn phối hợp với C4 bộ đội địa phương huyện đánh trực tiếp vào bọn bảo an và lính địa phương quân bảo vệ vòng ngoài của chi khu quân sự. Vậy là trước 3 giờ sáng ngày 30/3, chúng tôi bí mật áp sát ổ phục kích của địch nằm chờ lệnh. Lúc này mọi hướng đều yên tĩnh, chỉ có tiếng côn trùng và tiếng muỗi vo ve, thi thoảng có vài quả đạn pháo sáng từ các lô cốt bắn ra vu vơ giữa không gian đầy sương mù bao phủ. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi, đến 4 giờ thì những ánh chớp sáng lóe, tiếp đến là tiếng nổ dồn dập ở chi khu quân sự Gio Linh. Vậy là bộc phá lệnh của bộ đội đặc công đoàn 31 đã phát hỏa, chúng tôi đồng loạt lao lên, nổ súng tiến công. Bọn địch không kịp trở tay, đứa chết, đứa bị thương, những đứa còn lại bỏ chạy tán loạn. Khi chúng tôi cắm lá cờ cách mạng lên trận địa cũng là lúc bọn địch ở Dốc Miếu, Cồn Tiên, Bái Sơn, Bến Sanh, Gio Lễ... bị quân ta tấn công đã bỏ chạy. Vào gần Quán Ngang thì chúng tập hợp lại hơn 3 tiểu đoàn với đủ sắc lính, phối hợp với lực lượng bộ binh và 6 xe tăng ở đồi 31 đánh lên phản công, vì vậy trận chiến phải kéo dài đến nhiều giờ và tôi đã bị thương nặng trong trận này”. 

Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn giành thắng lợi và đã giải phóng hoàn toàn huyện Gio Linh? 

Anh hạ thấp giọng: “Đúng vậy”. Anh trả lời tôi mà như muốn tự lật ngược lại chính mình từ trong khoảng không gian và thời gian hai chiều của quá khứ và hiện tại rồi bật lên một câu: “Đằng sau mỗi nụ cười, đều có nỗi đau riêng”. Tôi hiểu sâu sắc được câu nói này, bởi lẽ ít có mảnh đất nào như mảnh đất này, cát trắng gió lùa, máu lửa đạn bom, thiên nhiên khắc nghiệt là vậy nhưng con người vẫn hiền lành, khẳng khái, kham khổ mà đạo lý, da diết mà nghiêm nghị, gan góc và thủy chung. Cũng chính vì lẽ đó mà anh cứ đau đáu một ước mơ làm sao có tiền để xây một nhà bia tưởng niệm đồng chí, đồng đội của anh đã hy sinh trong trận đánh giải phóng Quán Ngang năm 1972. Và mãi cho đến năm 2013, tâm nguyện ấy đã được Huyện ủy, UBND huyện Gio Linh đồng tình ủng hộ và những đồng tiền quyên góp đầu tiên cho công trình đầy nhân văn và đạo lý này là toàn bộ số tiền thưởng mà anh nhận được khi đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mặc dù công trình chưa được khởi công, nhưng với anh cũng đã vơi được nỗi day dứt bấy lâu, bởi anh tin rằng, khi Huyện ủy và UBND huyện đã có chủ trương thì chắc chắn sớm muộn gì cũng thành hiện thực. Anh thường tâm niệm rằng, để có được danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang như hôm nay, trước hết là nhờ sự đùm bọc cưu mang của bà con cô bác, sự hy sinh to lớn của đồng chí đồng đội, của những người đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Trương Đức Hai vốn dĩ là vậy, dũng cảm, kiên quyết nhưng chân thật và khiêm tốn, có nghĩa, có tình đấy là lẽ sống của anh. 

Trong quá trình tham gia công tác, anh được phân công đi nhiều nơi, chiến đấu trên nhiều mặt trận ở huyện Gio Linh. Từ tham gia bao vây bắn tỉa địch trên cao điểm 31 ở xã Gio Mỹ, đến chiến đấu với bọn thám báo “Dơi, Nhện” ở xã Gio Lễ ngay dưới chân cứ điểm Dốc Miếu hay về “vùng trắng” xã Gio Sơn, nơi tọa độ lửa của B.52 và pháo chùm, pháo khoan từ hạm đội 7. Ở địa bàn nào, công việc gì anh cũng tỏ rõ được ý chí gan dạ và mưu trí, dũng cảm của mình. Đặc biệt là anh rất có tài trong nhận định tình hình địch nên đã linh hoạt trong các trận đánh, nhất là đánh phản phục kích của bọn thám báo “Dơi, Nhện”, đã nhiều lần anh biến bị động thành chủ động, nhờ vậy mà luôn bảo toàn được lực lượng và giữ được bí mật cho cơ sở. Với vai trò chỉ huy lực lượng du kích xã Gio Lễ, Gio Sơn, anh đã trực tiếp chiến đấu và tham gia chiến đấu gần trăm trận, bắn cháy và phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. Đặc biệt có lần anh đã cải trang làm sĩ quan thủy quân lục chiến cùng với 2 du kích khác cải trang thành lính gác-đờ-co rồi ung dung tiến thẳng vào bọn lính địa phương chửi tục và đánh lộn với chúng, vì lính thủy quân lục chiến được mệnh danh là “anh cả đỏ” của quân lực Việt Nam cộng hòa nên không chỉ lính địa phương sợ, mà các sắc lính khác cũng kính nể. Anh cũng đã nhiều lần cải trang thành lính “Cộng hòa”, lính thủy quân lục chiến rồi hiên ngang vào sâu tận hang ổ của địch để tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng có nợ máu giữa ban ngày. 

Chiến dịch tiến công và nổi dậy Xuân 1972 giải phóng huyện Gio Linh thắng lợi đã tạo đà, tạo thế cho quân và dân ta tiếp tục chiến đấu và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972. Cũng lúc này, những vết thương trên người anh bắt đầu ổn định và anh được cấp trên đưa về làm Chủ tịch UBND xã Gio Sơn. Bước lên từ lòng đất với hai bàn tay trắng, trong lúc mọi thứ đều bắt đầu từ con số không nhưng với ý chí và bản lĩnh của một người đã từng xông pha trận mạc, cùng với sự chi viện có hiệu quả của trên, Trương Đức Hai một mặt nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân, mặt khác tổ chức lực lượng rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất để ổn định nơi ăn chốn ở cho hàng ngàn người dân từ khu tập trung Quán Ngang và các nơi sơ tán trở về. Tiếp đến là quy hoạch đất đai trồng cây công nghiệp và cây lương thực ngắn ngày để giải quyết lương thực tại chỗ, vừa góp phần cứu đói, vừa tạo dựng nên một màu xanh trù phú từ đổ nát hoang tàn. 

Với những chiến công trong chiến đấu và thành tích trong xây dựng, anh đã được tặng thưởng 6 danh hiệu Dũng sĩ và hàng chục huân, huy chương các loại, đặc biệt là đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng với anh, phần thưởng quý giá nhất vẫn là niềm tin yêu và sự cảm thông của đồng chí, đồng đội và bà con cô bác. Bởi theo anh, trong cuộc chiến đấu để thắng thua với kẻ thù thì rất dễ, nhưng khi đã trở lại cuộc sống đời thường thì làm sao để chiến thắng được chính mình mới là khó. Cho nên, mặc dù còn nhiều vất vả khó khăn, nhưng không vì thế mà kêu ca phàn nàn, ngược lại anh đã nỗ lực vươn lên tự xây dựng cho mình cuộc sống mới để giữ vững phẩm chất cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ. 

Có thể nói, sau một thời oanh liệt của cuộc đời binh nghiệp là đến những giai đoạn thăng trầm mà sự chịu đựng để vượt qua cũng gay go quyết liệt không kém thời cầm súng. Nhưng với bản lĩnh của một cựu chiến binh đã từng xông pha trận mạc, một đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng dày dạn kinh nghiệm và đã trải qua nhiều thử thách của những giai đoạn thăng trầm, cuối cùng anh vẫn vượt qua để bây giờ con cái của anh đứa nào cũng học hành thành đạt, có việc làm ổn định. Nhưng niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu người vợ thân yêu của anh không qua đời vì bạo bệnh. Mặc dù đã gần 10 năm kiên trì đưa vợ ra Bắc, vào Nam tìm thầy, tìm thuốc nhưng chị vẫn ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Đã hơn 8 năm nay anh phải gánh vác thêm chức năng của người mẹ, vì vậy cuộc sống gia đình đã vất vả lại càng vất vả hơn. Nhưng với Trương Đức Hai thì khó khăn không quan trọng, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính bản thân mình để chiến thắng. Đấy chính là cái chất của một người từng trải mà tôi cảm nhận được ở Trương Đức Hai, người anh hùng bên bờ sông tuyến.

Tác giả bài viết: Phan Sáu