Những chuyến đi sâu nặng nghĩa tình...

Anh Ngô Gia Truyền cùng các cộng sự bàn bạc vị trí tìm kiếm mộ liệt sĩ

Anh Ngô Gia Truyền cùng các cộng sự bàn bạc vị trí tìm kiếm mộ liệt sĩ

(QT) - Cuộc đời anh Ngô Gia Truyền, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, gắn chặt với những chuyến đi chất chứa hi vọng và niềm tin của thân nhân gia đình liệt sĩ. Như là duyên nợ, nghĩa tình với đồng đội, đồng chí của cha mình, nên hễ có thông tin hoặc có người cần nhờ đến, anh lại lên đường. Ròng rã 26 năm chuyên đi tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ, anh cùng các cộng sự đã đưa 1.200 hài cốt liệt sĩ về với quê mẹ...

Gương mặt sạm đen khắc khổ, thoạt lần đầu, ít ai nghĩ con người đó mới qua tuổi 45. Khuôn mặt, dáng người già hơn tuổi ấy có lẽ là kết quả của những chuyến đi dài ngày trong rừng sâu núi thẳm. Quanh năm chồng vắng nhà triền miên bởi những chuyến đi quy tập hài cốt liệt sĩ, vợ anh Truyền cũng đã quen với công việc của chồng để một mình đảm đương việc nhà và nuôi dạy các con khôn lớn. Hôm chúng tôi bất ngờ đến nhà, anh đang cùng một số anh em trong đội quy tập miệt mài nghiên cứu bản đồ để tìm hài cốt cho người thân của gia đình ông Nguyễn Đình Long, ở tận Hải Phòng. 


“Họ gửi vào cho mình giấy báo tử, đơn vị chiến đấu, căn cứ trên bản đồ, anh em chúng tôi cố gắng xác định vị trí liệt sĩ hi sinh ở trận đánh nào mà đơn vị có tham gia. Sau khi cơ bản xác định được vị trí, chúng tôi lên đường đi tìm kiếm hài cốt của các chú, các anh. Qui trình là vậy nhưng mỗi chuyến đi không hề đơn giản tí nào”, anh Truyền chia sẻ về công việc của mình. 


Cơ duyên đưa đẩy anh đến với công việc thầm lặng này cũng đầy duyên nợ. Vốn là con trai độc nhất của liệt sĩ (bố anh hi sinh trong trận đánh bảo vệ Thành Cổ), năm 1986 anh đi tìm hài cốt của cha mình và đã may mắn tìm thấy. Hành trình tìm kiếm cũng không ít vất vả gian nan, nên anh rất thấu hiểu tình cảnh của những gia đình có người thân hi sinh chưa tìm thấy hài cốt. “Gia đình tôi cũng có những ngày tháng như vậy. Nhìn khuôn mặt của họ là tôi biết họ đợi chờ điều gì. Làm sao tôi có thể ngồi yên khi thấy nước mắt bao bà mẹ vẫn chảy vì chưa tìm được con mình”, anh tâm sự. 

Anh Truyền vẫn còn xúc động khi nhớ lại có lần tìm thấy 3-4 mộ liệt sĩ được đồng đội mai táng trong tăng (loại vải nilông mà bộ đội dùng trong chiến trường) nhưng quên không rạch thủng, khi hài cốt được tìm thấy, mở ra các liệt sĩ vẫn còn nguyên như đang ngủ. Nhưng phần nhiều trường hợp chỉ còn ít xương cốt, có khi thi hài liệt sĩ đã bị phân hủy hết, nhất là ở những nơi ẩm ướt, đành bốc chút đất đen và những kỷ vật được mai táng theo liệt sĩ. Hầu hết những chuyến đi đều vất vả và khó khăn trong việc xác định vị trí chính xác, bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thiên nhiên và con người đã làm mất đi dấu tích cũ. Hiếm hoi lắm mới có những chuyến đi đầy thuận lợi như lần đi tìm hài cốt liệt sĩ Lê Duy Quang, thuộc Sư đoàn 304. 

Lần đó, cùng đi với nhóm anh Truyền còn có cả thân nhân và đồng đội cũ của liệt sĩ, cựu Đại đội trưởng Nguyễn Văn Quế, người đã tham gia trận đánh cuối cùng ở chân Cao điểm 264, gần động Ông Do, trong những ngày vô cùng ác liệt cuối tháng 12 năm 1972, ngay trước thềm lễ ký Hiệp định Pa-ri. Đó cùng là hài cốt thứ 1.200 mà anh Truyền cùng nhóm cộng sự đã tìm thấy. Con số ấy đã nhen nhóm thêm niềm tin và hi vọng cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ khác. Cái tên Ngô Gia Truyền được nhiều gia đình tin tưởng gửi gắm niềm hi vọng ấy, khi con em họ vẫn còn nằm lại đâu đó ở vùng núi rừng Hải Lệ xa ngái. 



Quy tập hài cốt liệt sĩ


Tôi không phải làm “nghề” 

Anh Truyền hồ hởi khoe với chúng tôi “biệt tài” chấm bản đồ, nghĩa là tìm kiếm địa điểm liệt sĩ hi sinh rồi khoanh vùng trên bản đồ, từ đó định vị khá chính xác vị trí để các anh đi tìm. Khả năng này được anh tự học hỏi qua thực tế chứ không được chỉ dẫn qua trường lớp nào, nhưng độ chính xác khá cao. Theo anh Truyền, sơ đồ mộ chí và nhân chứng sống (các cựu chiến binh) là những chỉ dẫn quan trọng nhất. Mỗi cuộc tìm kiếm, các anh căn cứ vào sơ đồ đồng đội liệt sĩ cung cấp, xác định vị trí trên bản đồ và đặc điểm trong rừng. 

Bằng kinh nghiệm của mình, anh cho biết: “Phần lớn các hài cốt được mai táng tại các đồi yên ngựa, khe suối để tránh lộ thiên, khi mai táng thì được lấp thành nấm dài nên trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi dùng cuốc hoặc dao rựa rạch một đường dài ở những chỗ đất có đặc điểm tương tự, nếu có hài cốt thì dễ phát hiện ra”. Các anh cũng tìm thấy những mộ liệt sĩ chưa được quy tập cũng như tìm được những công sự, hầm chiến đấu bị sập với các hài cốt liệt sĩ còn nằm bên dưới. 

Nói thì đơn giản vậy, nhưng kì thực, công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ rất khó khăn. Ngoài chuyện am hiểu địa hình, người làm công việc này phải có cái tâm. Nhiều khi anh Truyền phải lặn lội cùng người thân liệt sĩ trong rừng cả tháng trời. Mì tôm, cơm sống chan nước suối là chuyện thường ngày. Cả ngày trời băng rừng, lội suối, sập tối đến đâu thì nghỉ tại đó. Vốn có kinh nghiệm nhiều năm đi rừng và rừng rú Hải Lệ với anh đã khá thân thuộc, nên những chuyến đi dài ngày với anh trở nên bình thường. Vất vả nhất là những tháng mùa mưa, vắt đầy rừng nhưng các anh vẫn lên đường khi có người nhờ đến. Nhưng không phải chuyến đi nào và không phải lần nào họ cũng may mắn tìm được các liệt sĩ. Mỗi chuyến đi trở về chưa có kết quả, anh Truyền lại cảm thấy mình như còn mắc nợ. 

Chuyện anh Truyền tìm hài cốt liệt sĩ được nhiều người biết và tìm đến để được giúp đỡ. Có những bà mẹ đã bảy tám mươi tuổi ở tận Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình…cũng tìm đến anh. Nhận lời giúp, anh không ngại khó, đi từ Huế đến các vùng núi ở Quảng Trị, Quảng Bình..., thậm chí sang cả nước bạn Lào để tìm kiếm. 

Vợ anh nói vui: “Những chuyến đi của anh không mang lại của cải cho gia đình”. Anh trả lời: “Tôi làm việc này vì cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với những đồng chí, đồng đội của cha mình. Nếu đây là nghề kiếm sống thì tôi bỏ lâu rồi. Tôi thấy vui với những người thân liệt sĩ, khi họ tìm thấy hài cốt của người thân mình. Tôi muốn xoa dịu một phần mất mát, đau thương mà bao năm họ mang nặng trong lòng”. Tiếng là Đội quy tập liệt sĩ, nhưng anh Truyền và các anh em trong đội không có chế độ đãi ngộ thường xuyên nào từ chính quyền. Mỗi khi tự tìm kiếm, quy tập được một liệt sĩ, các anh được cấp 500.000 đồng theo quy định để trang trải chi phí quy tập. Nhưng cũng không hiếm những chuyến đi anh Truyền bỏ tiền túi của mình để trang trải chi phí. 

Anh Truyền chia sẻ một ước muốn giản dị, đó là có được một chiếc máy ảnh để trong mỗi chuyến đi, khi làm công việc cất bốc hài cốt, anh có thể chụp lại những tấm hình kỉ niệm cho gia đình thân nhân liệt sĩ, vì không phải chuyến đi nào cũng có người thân của họ đi cùng. 

Những địa danh như đồi Cột Cờ, động Ông Do, Cao điểm 264...vẫn còn nhiều hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đang nằm lại chưa được tìm thấy. Điều đó lại thôi thúc anh Truyền bắt đầu những chuyến đi mới. “Cho đến khi nào tôi cảm thấy chùn chân mỏi gối, không còn đủ sức khỏe để đi nữa thì nguyện làm người hậu phương chỉ đường cho những người kế cận công việc mình đang làm, cũng mong là có nhiều người cùng chung tâm nguyện như mình để các anh hùng liệt sĩ được sớm trở về với người thân”, đó là tâm nguyện của một người dành cả đời đi tìm hài cốt liệt sĩ. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: THANH TTRÚC