Nơi nỗi đau không thể lãng quên…

Nơi nỗi đau không thể lãng quên…
(QT) - 65 năm- quãng thời gian đủ dài để đi hết đời người, để tất cả nỗi đau kịp trở thành dĩ vãng, nhưng dường như trong ký ức sâu thẳm của mỗi người dân thôn Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn còn vẹn nguyên nỗi đau về vụ thảm sát khiến 526 dân làng thiệt mạng năm nào…

Ký ức đau thương

Bây giờ, ai có dịp đi qua miền đất Mỹ Thủy đều cảm nhận được sức sống mới từ vùng đất ven biển của huyện Hải Lăng này. Nhưng hẳn ít người có thể hiểu rõ về nỗi đau mà ngôi làng chài này đã phải ghánh chịu cách đây tròn 65 năm. Được hòa vào không khí linh thiêng, bi tráng của lễ tưởng niệm 65 năm ngày xảy ra vụ thảm sát rúng động (vào năm 1948), chúng tôi đã lặng người xúc động khi nghe những nhân chứng sống ở ngôi làng này kể lại chuyện đau buồn năm xưa. 

 

Người dân thôn Mỹ Thủy thắp hương tưởng nhớ đồng bào bị thảm sát năm 1948


Lần đôi bàn tay gân guốc trên hàng hàng tên tuổi của những người làng bị thảm sát năm nào tại Khu chứng tích vụ thảm sát Mỹ Thủy, cụ ông Phan Trung Hiếu (nguyên là Trung đội trưởng du kích xã Hải An vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát), năm nay đã 87 tuổi, râu tóc bạc trắng bùi ngùi kể: “Không hề muốn kể lại chuyện đau thương này nhưng cứ mỗi lần nhớ lại là tôi không thể nào ngủ yên. Dù vụ thảm sát đã qua 65 năm rồi nhưng lòng tôi có lẽ chẳng bao giờ nguôi. Những hình ảnh người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà co rúm than khóc, la hét đau đớn lần lượt bị thực dân Pháp bạo tàn bắn giết, máu loang lổ trên cát trắng, thây chất thành đống… cứ ám ảnh trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ”.

Gạt dòng nước mắt trào ra nơi khóe mắt, cụ Hiếu rành rọt kể lại chuyện xưa trong niềm xúc động khôn nguôi. Cụ Hiếu kể, dù sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp nhưng nhân dân xã Hải An vẫn một lòng theo cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thì phong trào cách mạng ở địa phương càng trở nên sôi nổi. Dân thôn Mỹ Thủy và các vùng lân cận cùng với nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên đấu tranh, giành chính quyền vào năm 1945. Năm 1946, thực dân Pháp với âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta đã trắng trợn vi phạm Hiệp định sơ bộ được ký kết tại Hà Nội giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Pháp (ngày 6/3/1946).

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Hải Lăng, tháng 6/1946, Chi bộ Đảng Tân- Thuận- Mỹ ( gồm 3 thôn Tân An, Thuận Đầu và Mỹ Thủy của xã Hải An) được thành lập. Từ đây, việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài đã được thực hiện khẩn trương, nhất là về xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập trung đội, đại đội dân quân tự vệ, tập kết lương thực. Phong trào tòng quân diễn ra sôi nổi rộng khắp. Nhiều thanh niên địa phương tham gia lực lượng cảm tử quân, vệ quốc đoàn… Cùng với lực lượng vũ trang huyện Hải Lăng, nhân dân, du kích xã Hải An dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Phan Trung Hiếu đã tiêu diệt nhiều tay sai, ác ôn, đứng lên phá ấp, diệt tề… gây tiếng vang lớn, và là nỗi khiếp sợ của thực dân Pháp trong một thời gian dài ở vùng ven biển.

Do chiến tranh ác liệt, các tuyến đường bộ bị địch chia cắt, phong tỏa nên Mỹ Thủy được chọn làm địa điểm đón nhận tập kết lương thực, vũ khí trên tuyến đường biển chi viện cho chiến trường Bình - Trị - Thiên. Cũng trên tuyến đường biển này, ngư dân của vùng biển xã Hải An đã ngụy trang dưới vỏ bọc thuyền đánh cá tích cực vận chuyển hàng hóa để chi viện cho kháng chiến. Nắm được hoạt động của tuyến đường huyết mạch này, thực dân Pháp đã điên cuồng tìm cách ngăn chặn. 
 

Ông Phan Trung Hiếu kể lại vụ thảm sát ở làng chài Mỹ Thủy năm 1948


Từ năm 1947 đến đầu năm 1948, quân Pháp đã tiến hành 3 đợt càn quét, đốt phá thôn Mỹ Thuỷ. Cụ thể ngày 5/3/1947, quân Pháp tràn vào thôn Mỹ Thủy đốt cháy gần hết nhà cửa, giết chết 3 người. Trong các ngày 17, 18 và 19/3/1948, thực dân Pháp tiếp tục huy động lực lượng đồng loạt càn quét vào các thôn xóm thuộc vùng đồng bằng Hải Lăng với chiến dịch mang tên “Tuần lễ Hải Lăng”. Trong đợt càn quét quy mô này, chúng đã giết hại hơn 1.300 người, đốt cháy hàng nghìn ngôi nhà, cướp đi rất nhiều tài sản, trong đó có thôn Mỹ Thủy. Ngày 19/3/1948, chỉ sau 1 giờ đồng hồ gây tội ác rồi rút đi, quân đội Pháp và tay sai đã giết chết 74 người dân Mỹ Thủy vô tội, trong đó phần lớn là đàn ông trung niên. Hàng trăm mét lưới, ngư cụ và hơn 20 thuyền đánh cá bị phá hủy hoàn toàn. Đây vừa là cuộc thảm sát, vừa là đòn đánh vào kinh tế hòng đè bẹp tinh thần, ý chí kháng chiến của nhân dân Mỹ Thủy.

Chưa đầy 20 ngày sau vụ thảm sát, khi cỏ trên nấm mồ của những người bị giết ngày 19/3/1948 chưa kịp mọc thì ngày 8/4/1948, thực dân Pháp lại tiến hành một cuộc tàn sát, đốt phá dã man hơn, tàn bạo hơn theo đúng nghĩa “3 sạch” nhằm vào người dân thôn Mỹ Thủy. Sau hơn 3 giờ đốt phá, hãm hiếp, cướp bóc, quân Pháp mới chịu rút quân, để lại thôn Mỹ Thủy hoang tàn, tang tóc, cát trắng loang lổ máu người và những ngôi nhà tranh đang cháy. Tổng cộng có 452 dân thường vô tội đã bị giết trong vụ thảm sát này. Cả thôn chỉ sót lại một vài đứa trẻ và chưa đầy 20 người dân vô tội đang hoảng loạn cực độ. Đây là vụ thảm sát dã man và có số lượng người chết nhiều nhất mà thực dân Pháp đã gây ra cho đồng bào Quảng Trị.

Thắp nén hương lên mộ chung của những người làng năm xưa, bà Võ Thị Nuôi, (77 tuổi) xúc động nhớ lại: “Lúc đó, tôi khoảng 12 tuổi, tôi cùng với 2 người em đang đi với mẹ thì bất ngờ bị thực dân Pháp lùa ra ngoài bãi cát cùng với rất đông người trong thôn và bắn chết hết. Mẹ và em tôi đều chết, chỉ mỗi mình tôi sống sót. Sau cuộc tàn sát đó, nhìn thấy hình ảnh đứa em nhỏ nằm chết trên bụng mẹ mà tôi đau cắt cả ruột gan. Ở những xóm bên, toàn bộ dân làng đang ẩn nấp tập trung ở 4 nhà dân cũng bị thực dân Pháp bắn chết. Tôi không thể nào quên và dung tha cho tội ác tày trời đó của bọn thực dân Pháp tàn ác”.

Ấm no làng chài
 

Hàng năm vào ngày mùng 9 và 28/2 (ÂL), ngoài mang lễ vật tới dâng cúng tại Khu tưởng niệm thảm sát, hầu hết gia đình thôn Mỹ Thủy đều làm một mâm cơm tươm tất làm lễ giỗ người thân trong vụ thảm sát năm 1948. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ nỗi đau thương, mất mát của các thế hệ dân làng đã ngã xuống, đồng thời qua đó giúp họ có thêm ý chí để xoa dịu nỗi đau, tự lực vươn lên trong cuộc sống.

65 năm sau vụ thảm sát đẫm máu năm nào, thôn Mỹ Thủy đã dần thay đổi. Bây giờ về Mỹ Thủy, người ta đã thấy rõ một sức sống mãnh liệt nơi miền cát trắng này. Ngư dân trai tráng vẫn miệt mài bám biển và những người phụ nữ tần tảo vẫn băng qua triền cát gồng gánh mưu sinh trong sự yên bình. Làng chài Mỹ Thủy hoang tàn trong vụ thảm sát năm xưa giờ đã trở thành một bãi tắm xinh đẹp, thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm.

“Đau thương không ai được lãng quên và mỗi người dân Mỹ Thủy luôn khắc sâu điều đó. Trong thời bình, chúng tôi mong muốn mỗi người dân đều phải nêu cao ý chí cách mạng quật cường, biến đau thương để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, để xứng đáng với truyền thống bất khuất, kiên trung của lớp lớp cha ông. Và thực tế, hiện tại đời sống của người dân nơi đây đang dần khấm khá. Đó là điều đáng mừng và đáng tự hào với chúng tôi”, Chủ tịch UBND xã Hải An Phan Thành Chung chia sẻ.

Hiện tại, ngoài nguồn thu khá lớn từ hoạt động du lịch ở bãi tắm Mỹ Thủy, những năm qua xã Hải An đã quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nghề biển và khai thác kinh tế ở vùng cát. Toàn xã Hải An hiện có khoảng trên 200 thuyền thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, mang lại nguồn thu nhập khá, đảm bảo đời sống ổn định cho bà con ngư dân. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cũng đang phát triển mạnh, ngày càng mang tính bền vững, giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả.

Đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào di dân ra vùng cát phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Nhiều mô hình chăn nuôi - trồng trọt kết hợp trên vùng cát đã được hình thành và mang lại thành công lớn, giúp nhiều gia đình đổi đời. Không chỉ khởi sắc về kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục nơi đây cũng đã được quan tâm, chăm lo và có bước phát triển đáng mừng…

“Dù là vùng biển bãi ngang nhưng thôn Mỹ Thủy lại hội tụ được nhiều đặc điểm, lợi thế để phát triển thành một khu trung tâm đô thị về phía đông của huyện Hải Lăng. Dự án xây dựng cảng biển Mỹ Thủy sẽ là dự cảm tốt lành trong tương lai cho miền quê nơi miền chân sóng này”, Bí thư Đảng ủy xã Hải An Mai Văn Ca vui mừng cho biết.

Tác giả bài viết: LÊ ĐỨC VIỆT