Sức sống làng hầm

Sức sống làng hầm
(QT) - “Làng hầm” là một tổ chức hành chính thời chiến độc nhất vô nhị trong lịch sử quân sự thế giới mang đậm chất Vĩnh Linh, là hình ảnh thu nhỏ của làng quê được kiến tạo trong lòng đất để tổ chức phòng tránh, đánh trả, lao động sản xuất, duy trì mọi hoạt động đời sống xã hội khi không thể tồn tại trên mặt đất trước sự tàn phá và hủy diệt của bom đạn. Như những tòa lâu đài cổ nằm trong lòng đất, ẩn giấu bao điều kỳ diệu về những người làm ra nó và thời đại mà nó sinh ra, hệ thống làng hầm - địa đạo Vĩnh Linh ngày nay đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tuor “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, cựu chiến binh đến tham quan, chiêm ngưỡng…

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Linh có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng: vừa là tiền đồn của miền Bắc XHCN, vừa là hậu phương trực tiếp chi viện sức người và sức của cho chiến trường miền Nam, là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào bờ Nam giới tuyến và quân dân đảo Cồn Cỏ. Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành một trọng điểm đánh phá hủy diệt của kẻ địch. Từ năm 1965 đến 1972, mảnh đất chưa đầy tám trăm hai mươi cây cố vuông này đã phải hứng chịu hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại dội xuống, tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu khoảng 7 tấn bom đạn trong vòng 8 năm. Với sức công phá của khối lượng bom đạn khổng lồ đó, mặt đất Vĩnh Linh đã bị băm nát, cuộc sống trên mặt đất bị san phẳng…

 

Du khách đến tham quan địa đạo Vịnh Mốc - công trình tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh

Để bám trụ, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Vĩnh Linh phải chuyển mọi hoạt động của đời sống xã hội vào trong lòng đất. Thực hiện chủ trương “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, cùng với những chiến dịch K8, K10 di chuyển người già và trẻ em sơ tán ra các tỉnh phía Bắc, quân và dân Vĩnh Linh bằng những dụng cụ thô sơ, tự chế tạo và với khối óc, đôi bàn tay của mình trong mưa bom bão đạn đã tiến hành đào trên 3,75 triệu mét khối đất đá, làm nên một hệ thống làng hầm kỳ vĩ trong lòng đất, gồm: 114 địa đạo với hơn 40 km đường hầm sâu từ 15 - 30m trong lòng đất; xây dựng hơn 100.000 hầm trú ẩn các loại, 2.100 km giao thông hào nối thông các làng hầm với nhau và từ làng hầm ra ruộng… Mỗi làng hầm là một “pháo đài”, “lá chắn thép” che chở vững chắc, hạn chế thấp nhất tổn thất về người và tài sản, phục vụ tốt cho sinh hoạt, lao động sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện trực tiếp cho chiến trường Bắc Quảng Trị và đảo Cồn Cỏ. Nhờ có hệ thống làng hầm - địa đạo này mà quân và dân Vĩnh Linh đã bám trụ kiên cường, đánh trả các cuộc chiến tranh phá hoại của địch, lập nên chiến công vang dội bắn rơi 239 máy bay, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến các loại; đẩy lùi nhiều toán gián điệp, biệt kích; che giấu bộ đội ta thực hiện các cuộc hành quân “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, phối hợp với quân và dân bờ Nam giới tuyến đánh 312 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 26.737 tên địch. 

Với những thành tích đạt được, quân và dân Vĩnh Linh vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT, được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập và 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen: “Đánh cho giặc Mỹ tan tành/ Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”. 

Điều kỳ diệu của hệ thống làng hầm - địa đạo Vĩnh Linh không chỉ là nơi trú ẩn, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, mà chính là không gian sinh tồn của làng quê được kiến tạo dưới lòng đất, mỗi làng hầm là hình ảnh thu nhỏ của làng quê với các căn hộ gia đình, đường làng, giếng nước, nhà trẻ, bệnh xá, hội trường, trường học… Lúc đỉnh điểm của đạn bom ác liệt, toàn Vĩnh Linh có hơn 70 làng của 15 xã tiến vào lòng đất, đồng thời mở rộng vòng tay đón nhận 8,5 vạn đồng bào miền Nam ra sơ tán. Bom đạn của kẻ thù có thể hủy diệt màu xanh trên mặt đất Vĩnh Linh, biến vùng đất này thành “vùng trắng”, nhưng không thể hủy diệt được sự sống, khát vọng sống và chiến thắng của người dân nơi đây. 

Trong những căn hầm, giao thông hào và tầng sâu của địa đạo, người dân Vĩnh Linh trong lao động sản xuất và chiến đấu vẫn ngân vang lời ca tiếng hát, tình yêu vẫn nảy nở, đơm hoa kết trái dưới đạn bom hủy diệt của quân thù. 60 đứa trẻ được sinh ra trong lòng địa đạo là minh chứng sinh động nhất cho sức sống mãnh liệt, diệu kỳ của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Một cuộc sống và chiến đấu với đầy đủ ý nghĩa của nó tồn tại 2.000 ngày trong lòng đất, từ “hầm trong làng” đến “làng trong hầm” là sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, điều làm cho nhiều nhà nghiên cứu và cựu chiến binh Mỹ khi đến thăm và tìm hiểu địa đạo Vịnh Mốc - một công trình tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, phải thán phục mà thốt lên rằng: “Qua địa đạo Vịnh Mốc chúng tôi hiểu vì sao Việt Nam đã thắng Mỹ!”. 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hệ thống làng hầm - địa đạo Vĩnh Linh phần lớn đã bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng, chỉ có địa đạo Vịnh Mốc là được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, bình quân mỗi năm thu hút gần 100.000 du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập. Nhưng, sức sống mãnh liệt và những bài học về giá trị lịch sử - văn hóa, bản lĩnh và trí tuệ chiến tranh nhân dân của hệ thống làng hầm - địa đạo Vĩnh Linh sẽ là di sản văn hóa trường tồn mãi với thời gian, góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sức sống mãnh liệt của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh chính là minh chứng sinh động nhất để trả lời câu hỏi: Vì sao mỗi người dân Vĩnh Linh “cõng” trên mình 7 tấn bom đạn của địch mà vẫn kiên cường đi qua chiến tranh, chiến đấu và chiến thắng.

Tác giả bài viết: THANH HẢI