Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn một địa chỉ cho tâm linh của người dân đất Việt

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, gian khổ, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các binh chủng bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến... đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, bảo đảm thông tuyến, thông hàng, chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sơn là cống hiến vô cùng to lớn cho đất nước.

Để ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sỹ bộ đội Trường Sơn, khi đất nước thống nhất, vào đầu năm 1975, cùng với chủ trương quy tập phần mộ của các liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi yên nghỉ, nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tọa lạc trên một khu đồi gần Bến Tắt, cạnh đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây từng là nơi đặt Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc chọn địa điểm để xây dựng nghĩa trang vừa mang tính tôn nghiêm, vừa mang tính truyền thống, gắn kết khăng khít với lịch sử bộ đội Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.
Được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10.263 anh hùng liệt sĩ, do Binh đoàn Trường Sơn xây đựng và quản lý. Năm 1979, Binh đoàn Trường Sơn chuyển giao Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cho tỉnh Bình Trị Thiên quản lý và từ tháng 7/1989, Nghĩa trang được chuyển giao cho tỉnh Quảng Trị quản lý và chăm sóc.
Năm 1999, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/1999), Đảng và Nhà nước đã quyết định cho nâng cấp, tôn tạo lại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Dự án đầu tư cải tạo và nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư trên 28 tỷ đồng. Các hạng mục đã được xây dựng như: Khu mộ, hệ thống cơ sở hạ tầng, khu Khánh tiết và văn bia, các cụm tượng, Đài Tổ quốc ghi công... được tôn tạo bền đẹp. Trong quần thể khu di tích của nghĩa trang, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng những nhà bia tưởng niệm tại khu mộ liệt sĩ của địa phương mình với những nét đặc trưng văn hoá của quê hương, góp phần làm cho nghĩa trang thêm tôn nghiêm. Sau khi hoàn thành xong giai đoạn I, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho lập dự án xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trương Sơn giai đoạn II. Mục tiêu của dự án là xây dựng một Khu lâm viên, tái tạo lại lịch sử của đường Trường Sơn, để tạo nên một không gian nghỉ ngơi, hồi tưởng về Trường Sơn .
Xác định đây là trách nhiệm và cũng là một niềm vinh dự lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước giao phó, bằng tất cả nghĩa tình đối với các Anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã làm hết sức mình để chăm sóc nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh, các chị vì nghĩa lớn đã ngã xuống trên mảnh đất này. Tỉnh đã tổ chức một Ban Quản lý Nghĩa trang với gần 20 cán bộ, nhân viên thường xuyên hương khói, chăm sóc các phần mộ, tiếp đón thân nhân liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến viếng, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Hàng năm, nhân các dịp lễ hội như tết nguyên đán, kỷ niệm ngày TBLS 27/7, ngày Quốc khánh 2/9. ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đều tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa, tổ chức lễ viếng và nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân. Và cũng chính từ những hoạt động này, đã làm lay động hàng triệu trái tim của những người từng đến và từng biết về Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Không biết từ bao giờ, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn đã trở thành mảnh đất "thiêng", điểm đen của nhiều người dân đất Việt. Mỗi năm có trên 150.000 lượt người đến thăm, viếng Nghĩa trang, trong đó có hàng trăm đoàn hành hương của các cựu chiến binh về thăm đồng đội và chiến trường xưa; Hàng chục đoàn thanh niên các tỉnh hành hương về nguồn; Nhiều đơn vị và cá nhân thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ như: Tổ chức đại giỗ, cầu siêu, dâng bánh tại các phần mộ liệt sĩ, cung tiến lễ vật..., nhằm bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ sâu sắc công lao của các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.
Quảng Trị đã từng một thời sống, chiến đấu vì cả nước và nhờ cả nước, thì đến hôm nay và mãi mãi về sau, vẫn thuỷ chung, son sắt để thay mặt cho nhân dân cả nước chăm sóc từng phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ, để tỏ lòng biết ơn, tri ân sự hy sinh cho cả của các anh, các chị cho độc lập, tự do của Tổ quốc.