Đang truy cập : 9
Hôm nay : 139
Tháng hiện tại : 7926
Tổng lượt truy cập : 4554946
Là tỉnh địa đầu giới tuyến với nhiều chiến trường ác liệt, mảnh đất Quảng Trị đã chứng kiến biết bao tấm gương anh dũng hy sinh của bộ đội ta, vì lẽ đó, khi hoà bình lập lại, thân nhân của liệt sĩ hy vọng người thân của mình được yên nghỉ ở một nghĩa trang nào đó ở Quảng Trị. Trước năm 1997, số lượng gia đình thân nhân liệt sĩ đến Sở LĐTB&XH rất đông. Cơ cực nhất là chuyện bà con phải ăn nghỉ vạ vật ở nhà ga, bến xe và hành lang sinh ra nhiều chuyện phức tạp như bị mất cắp, bị trấn lột, thậm chí có trường hợp hài cốt liệt sĩ bị kẻ trộm lấy nhầm rất xót xa. Từ thực tế đó, nhiều gia đình liệt sĩ đã viết thư góp ý Sở LĐTB&XH tạo điều kiện giúp đỡ nơi ăn, chỗ nghỉ để đỡ bơ vơ. Ý kiến của thân nhân liệt sĩ được Sở LĐTB&XH Quảng Trị tiếp nhận. Năm 1997, một ngôi nhà đón tiếp tạm bợ được nâng cấp từ khu thương binh nặng Đông Hà ra đời cho bà con nghỉ tạm qua đêm và tổ chức một đội 3 chiếc xe máy để trở bà con đi viếng và tìm mộ liệt sĩ.
Giám đốc Nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ Lê Văn Dăng nói: ''Tiếng lành đồn xa, bà con nào đã vào Nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ Quảng Trị khi về quê hương cũng tuyên truyền cho những gia đình liệt sĩ khác. Mặt khác, Sở LĐTB&XH lại lập danh sách liệt sĩ gửi về cho các tỉnh và thông báo cho gia đình thân nhân biết cho nên ngày càng có nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ vào Quảng Trị...''. Theo ông Dăng, ngay từ khi thành lập, ngôi nhà tình nghĩa này cũng đã có ngay những việc làm tình nghĩa như hầu hết cán bộ nhân viên của Nhà khách đều là thân nhân liệt sĩ, thương binh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Điều này làm cho trách nhiệm và tình cảm của anh chị em như đang phục vụ chính gia đình, người thân mình.
Những câu chuyện cảm động
Từ ngày mở cửa đón tiếp thân nhân liệt sĩ, nhân viên nhà khách đã ''vác tù và'' trực 24/24 giờ và ''lang thang'' ở các bến tàu, bến xe để đón tiếp thân nhân liệt sĩ. Bất cứ thời gian nào trong ngày Nhà khách cũng đều có người trực và mở cửa phục vụ. Theo ban giám đốc Nhà khách, từ 7/1997 đến 7/2002, đã có 48.968 thân nhân liệt sĩ trong cả nước đến Quảng Trị thăm viếng và tìm kiếm mộ liệt sĩ. Chỉ với gần 20 người cùng 3 ô tô và 3 xe máy, những cán bộ nhà khách đã cống hiến không biết mệt mỏi cho từng thân nhân liệt sĩ đến mảnh đất Quảng Trị.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh chị em ở đây tâm sự, theo quy định của Bộ LĐTB&XH, mỗi thân nhân liệt sĩ đến Nhà khách 27/7 để đi viếng hoặc tìm mộ chỉ được ở 4 ngày và không mất bất cứ một khoản tiền gì. Thế nhưng, trong điều kiện tìm mộ ngày càng khó khăn hiện nay, hầu hết gia đình thân nhân liệt sĩ thực hiện đúng theo quy định nhưng cũng có những gia đình chưa tìm được mộ và ở lại đến 10, 20 ngày. Không cho bà con ở thì không đành, mà cho thì không dám thu tiền, nhà khách đành mua thêm màn chiếu để bà con nghỉ tạm với nhau.
Làm việc nghĩa việc tình ở một nơi phải thường xuyên chứng kiến những câu chuyện xúc động quanh chuyện đi tìm mộ, các cán bộ ở đây mặc dù đã ''rắn lòng'' nhưng vẫn không thể quên câu chuyện của một phụ nữ đi tìm chồng. Chị là người dân tộc Dao ở tận một huyện vùng cao Yên Bái đi tìm hài cốt chồng đã hy sinh ở Quảng Trị. Trong câu chuyện đứt quãng kể bập bẹ bằng tiếng Kinh với các cán bộ nhà khách và các thân nhân liệt sĩ khác, chị chỉ nhớ ngày đó hai anh chị mới cưới nhau được 3 ngày sau lễ hỏi rồi anh phải vào chiến trường. May mắn là 3 ngày hạnh phúc đó tình yêu của họ đã ''đơm hoa''. 9 tháng 10 ngày sau chị sinh cho anh một đứa con gái kháu khỉnh. Người trong bản bảo cháu giống bố như lột. Khi đứa con lớn lên cứ nhất quyết bắt mẹ ''mang'' bố về bằng được cho mình. Lần theo những manh mối của đồng đội anh, chị đã không quản vất vả đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Hy vọng cuối cùng của chị là vào chiến trường Quảng Trị nhưng cũng không thấy. Thất vọng, buồn chán, trước khi rời Quảng Trị về Yên Bái, chị lặng lẽ nói: ''Chồng mình hy sinh cho Tổ quốc, Nhà nước phải có cách gì giúp đỡ mình tìm chồng về chứ...!''.
Những câu chuyện cảm động về chuyện vợ đi tìm hài cốt chồng không ít ở Quảng Trị nhưng chuyện người yêu đi tìm hài cốt người yêu thì quả thật đặc biệt. Đó là chuyện đi tìm mộ người yêu cũ của một cán bộ đang công tác tại Tổng cục đường sắt Việt Nam. Trước đây anh và chị (xin được dấu tên) cùng học tại trường ĐH GTVT trước khi anh lên đường đi chiến đấu ở Quảng Trị. Lúc tiễn nhau, anh trao cho chị chiếc khăn tay và nói: ''Khi nào anh về sẽ cưới em, còn nếu anh có mệnh hệ gì thì em cứ đi lấy chồng...''. Ở hậu phương, chị mòn lòng chờ đợi nhưng anh không về nữa. Thế rồi theo áp lực của gia đình, chi dằn lòng, gạt nước mắt đi lấy chồng. Đến nay, khi đã có con, có cháu và một gia đình hạnh phúc chị vẫn không nguôi ý định đi tìm mộ anh về. Thật mừng là chồng chị cũng là một người lính nên anh hiểu được những điều nghĩa tình chị làm. Năm 1998, gom góp được 20 triệu chị đưa cho chồng 10 triệu mua xe máy cho con đi học còn lại 10 triệu chị mang đi tìm mộ người yêu cũ. Chị cứ đi hết chiến trường này sang chiến trường khác tìm hài cốt anh nhưng không thấy. Chị buồn nhiều nhưng cũng biết nơi ngàn thu anh sẽ hiểu được tấm lòng mình...
Có vô vàn câu chuyện cảm động được lưu giữ ở nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ Quảng Trị mà mỗi câu chuyện là một tấm lòng của người còn sống gửi đến các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Giữa những ngày tháng 7 ở miền gió cát miền Trung, nhà khách 27/7 Quảng Trị vẫn giang tay chờ đón những thân nhân, gia đình liệt sĩ đến dừng chân và đi thắp vài nén nhang cho các linh hồn liệt sĩ bớt phần cô quạnh.
Nguồn tin: (langson.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn