08:26 ICT Chủ nhật, 13/10/2024
tim kiem

Trang chủ

---Tìm kiếm thông tin Liệt sĩ
trang thong tin dien tu quang tri
trung tam tin hoc
nhan tim dong doi
nnts

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3


Hôm nayHôm nay : 143

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 7930

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4554950

Hỗ trợ trực tuyến

Nhà đón tiếp thân nhân Liệt sỹ
ĐT: 0533.524811

Văn phòng Sở Lao động Thương binh & Xã hội
ĐT: 0533.851395

Text


Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - Sự kiện

Giáo dục bên bờ Bến Hải

Thứ sáu - 01/05/2015 20:07
Giáo dục bên bờ Bến Hải

Giáo dục bên bờ Bến Hải

GD&TĐ - Trong những năm tháng bị chia cắt bởi đôi bờ giới tuyến,Vĩnh Linh (Quảng Trị) trở thành địa đầu của miền Bắc và cũng đồng thời là hậu phương lớn của cả miền Nam.

Suốt 18 năm đằng đẵng, từ năm 1954 - 1972, thời điểm cầu Hiền Lương và mảnh đất Gio Linh phía bờ Nam sông Bến Hải được thống nhất là những năm của đau thương, binh lửa, chia cắt, bom đạn dày xéo. 

Vĩnh Linh vừa ngoan cường tổ chức tốt nền giáo dục của mình vừa tận lực chi viện sức người, sức của cho giáo dục cách mạng ở các huyện phía Nam. 

Năm 1966, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Vinh, chàng thanh niên Hồ Xuân Long, người dân tộc Vân Kiều được phân công về dạy học tại xã Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Linh - mảnh đất nơi địa đầu vỹ tuyến 17 chuẩn bị bước vào những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. 

Thầy và trò Trường cấp 3 Vĩnh Linh đào công sự năm 1966. Ảnh tư liệu

Thầy và trò Trường cấp 3 Vĩnh Linh đào công sự năm 1966. Ảnh tư liệu


Trong ký ức của người thầy giáo già, vẫn vẹn nguyên những ngày vừa chạy bom vừa dạy chữ: “Thời chiến tranh, mỗi ngày hàng chục lượt máy bay quần sát ngọn cây, dội bom cày xới tan hoang mặt đất. Cứ chiều chiều, pháo 105, 175, 406 ly của địch bắn từ phía Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn về, từ ngoài biển bắn vào dọc bờ Bắc sông Bến Hải. 

Để đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò, tất cả các trường học đều phải đào hầm, mỗi hầm đủ rộng cho một lớp học khoảng 10 - 15 em học sinh ngồi thành 3 dãy ghế hàng ngang; chiều dài của hầm khoảng từ 3 - 3,5m, chiều rộng khoảng từ 2 - 2,5m. 

Trên mỗi hầm hạ thổ đều được lấp đất kín để ngụy trang. Ngoài ra, đoàn thanh niên và phụ huynh còn đào thêm hệ thống giao thông hào theo đường dích dắc dẫn ra hầm nấp, nếu pháo, bom dội xuống gần hầm hạ thổ thì phải sơ tán học sinh chạy theo dưới giao thông hào ra hầm nấp. Giao thông hào phải đào sâu từ 1-1,2m, cao hơn đầu học sinh để đảm bảo an toàn trong khi di chuyển” - thầy Long kể. 

Chạy bom và chạy chữ - hai con đường “ma - ra - tông” tưởng như ngược chiều nhau nhưng cả thầy và trò đều phải dùng hết tốc lực để chạy. Có những thời điểm như đầu năm 1972, sau thất bại của chiến dịch Lam Sơn 719, có khi, chỉ trong một tuần lễ, thầy trò phải dời trường đến 3 lần để tránh sự bắn phá ác liệt của Mỹ ngụy. 

Mấy chục năm rồi, khi nhắc lại câu chuyện nhóm 7 học sinh Trường Bổ túc văn hóa Vĩnh Linh thoát chết trong gang tấc khi đi nhận lương thực tiếp tế, giọng thầy Long vẫn còn run run: 

“Trên đường trở về trường thì trúng đợt ném bom của giặc, may nhờ người dân cảnh báo, kịp kéo các em xuống hầm trú ẩn. Thiệt tình là đến giờ nghĩ lại, đến hình dung tui cũng không dám…”. 

Những năm ấy, Trường Bổ túc văn hóa Vĩnh Linh, ngoài làm nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho cán bộ dân tộc, vừa làm nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho miền núi, vừa phục vụ cho cán bộ và con em Bắc Hướng Hóa ruột thịt còn đảm nhận dạy học cho cả học sinh là con em đồng bào miền Nam. 

Đã có những lúc như thời điểm năm 1970 - 1971, trường phải sơ tán ra vùng Khe Tréc, giáp giới với phía Tây Quảng Bình để tổ chức đời sống nội trú và ổn định việc dạy học. 

Chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xới suốt đêm ngày, nên thầy Hồ Xuân Long cười khi chúng tôi hỏi có bao giờ nghĩ đến cái chết không? “Phải nói chính xác là chúng tôi không nghĩ đến chuyện sống, cứ xác định chắc là sẽ chết, chỉ không biết là sẽ chết lúc nào mà thôi, nên còn sống ngày nào thì phải làm việc thật trọn vẹn, như hôm nay là ngày cuối cùng”. 

Có lẽ vì thế mà thầy Hồ Xuân Long cũng như nhiều đồng nghiệp khác, đã trọn vẹn sống, trọn vẹn cống hiến như khẩu hiệu: “Giống trống Bắc Lý, nổi sóng Hiền Lương, nỗ lực phi thường, giành cờ Hai tốt”, cùng nhân dân Vĩnh Linh làm nên một “lũy thép - lũy hoa”. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Phụng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh đến bây giờ vẫn nhớ mình là một trong những HS tham gia vào đợt sơ tán đầu tiên trong cuộc di chuyển gần 3 vạn học sinh Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh phía Bắc để sinh sống và học tập theo chiến dịch K.8 (năm 1967); đến tháng 7/1967 , chuyển tiếp hơn 14.000 HS phổ thông ra các tỉnh tương đối an toàn theo kế hoạch 8 và kế hoạch 10. 

Đây là cuộc trường chinh vạn dặm về phía hậu phương có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Lịch sử ngành Giáo dục Quảng Trị đã dành nhiều trang để ghi lại sự kiện đặc biệt này: 

“Dưới bom đạn của địch, được sự chăm lo của Đảng và nhân dân trong khu vực, được sự đùm bọc che chở của nhân dân các tỉnh bạn suốt trên chặng đường đi và ở những nơi đến, thầy trò Vĩnh Linh đã khẩn trương chuẩn bị và ra đi không quản ngại bom đạn, chẳng kể ngày đêm, mưa gió lụt lội, khi đi xe, lúc dắt díu nhau đi bộ qua đồng lầy, núi non, qua những trảng cát nóng bỏng dọc theo bở biển Quảng Bình, Quảng Trị để đến nơi tập kết vì đoạn đường tiếp theo nằm trong tầm kiểm soát khống chế của máy bay Mỹ; khi đi liên tục, lúc phải trú lại năm bảy ngày đến một tháng vì địch đánh phá ác liệt”. 

Thầy giáo Hồ Xuân Long kể, mỗi giáo viên được phân công phụ trách khoảng từ 30 – 40 học sinh, “lo tất cả nỗi lo của người cha, người mẹ và là người chỉ huy đơn vị, từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến sự an toàn của các em trên suốt dọc đường di chuyển đầy bom rơi, đạn nổ”. 

Các thầy giáo liệt sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Trịnh Đình Doãn đã hy sinh anh dũng vì các em học sinh K8 trong những hoàn cảnh như vậy. 

Trong số 600 chuyến xe vận chuyển học sinh theo kế hoạch 10, có gần 10 xe bị bom Mỹ đánh cháy, hư hỏng, trong đó có hai xe bị thiệt hại đến tính mạng của HS. Đau đớn nhất là xe chở các em HS vỡ lòng, HS cấp I của xã Vĩnh Hiền. 

Ở Vĩnh Linh ngày nay có nhiều ngày giỗ chung do những vụ ném bom giết người hàng loạt của đế quốc Mỹ, nhưng ngày giỗ chung của 35 sinh linh bé nhỏ là nỗi đau không bao giờ quên được. 

Bây giờ, vết thương chia cắt đã lành, trong dấu tích bom đạn của vùng giới tuyến, cây cỏ đã lên xanh, niềm vui của thống nhất, hòa bình và tái thiết cũng đã làm dịu ngọt lại những buồn đau. 

Thế nhưng, khi nhắc đến những ngày khói lửa chiến tranh, lệ vẫn còn rưng rưng trên gương mặt của những con người đã từng một thời trăng lưng dưới mưa bom bão đạn trên mảnh đất này. 

NGND Lê Phước Long - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị bước vào nghề giáo đúng vào thời điểm địch bắn phá khốc liệt nhất ở vùng đất giới tuyến. Khi mảnh đất ngày đêm đánh phá suốt ngày đêm, mọi hoạt động cuộc sống bám trụ được chuyển vào địa đạo, hầm hào. Thầy Lê Phước Long nhớ lại: 

“Các lớp học bổ túc văn hóa cấp 3 cho các cán bộ, thanh niên xung phong và dân quân du kích vẫn được duy trì. Anh em thường nói đùa với nhau: Dạy bổ túc văn hóa thời chiến thì khai giảng quanh năm, thi cử bốn mùa. Hầu hết học viên của chúng tôi là những người lớn tuổi, cao nhất là đồng chí Bí thư Khu ủy. Họ vẫn lạc quan học tập văn hóa sau những giờ lao động và chiến đấu vì tin tưởng ngày chiến thắng không còn xa nữa. Chúng tôi còn đi dạy bổ túc văn hóa cho đại đội TNXP của Hà Tĩnh và Thanh Hóa đóng quân ở ngã Tư đất trên tuyến đường chiến lược 15A. Nhớ hôm khai giảng lớp học, anh em chúng tôi chở mấy chục bộ sách giáo khoa đến tặng học viên. Chị em mừng vui không kể xiết. Thật cảm động khi nghe tin có mấy chị em TNXP của Đại đội đã hy sinh, đơn vị cũng không quên lúc mai táng đồng đội cho mang theo cả mấy cuốn SGK”. 

Trường THPT Vĩnh Linh đã sơ tán ra Tân Kỳ, Nghệ An, cô Lê Sinh năm 1967, thời điểm Thị Chí - học sinh cũ và nay là Giáo viên Văn của trường tâm sự: “Những ngày tháng đau thương mà anh dũng của nhà trường, tôi chỉ được nghe kể qua lời kể của các thầy cô cao niên ở trường. 

Đã bao lần tôi đứng trước di ảnh của thầy giáo liệt sĩ Lê Duy Minh và bức ảnh ngôi trường bị bom Mĩ tàn phá vào 14giờ ngày 8/2/1965, đã bao lần tôi đã thuyết minh về mốc thời gian đáng nhớ ấy cho các đoàn khách, các thầy cô và các em học sinh đến thăm phòng truyền thống nhưng khi đặt chân lên nền ngôi trường cũ - giờ đã là nghĩa trang liệt sĩ, nơi mà thầy Duy Minh và bảy học sinh thân yêu đã vĩnh viễn nằm xuống, lòng vẫn không khỏi xốn xang, xúc động. 

Tôi nhận thấy màu đất đỏ bazan ở đây hình như đỏ hơn, hình như đất cũng rất hữu tình nên muốn tự mình làm một nhân chứng sống cho những ngày mất mát, đau thương của Trường cấp III Vĩnh Linh đó chăng? Tôi tự nhủ với lòng mình, phải luôn sống sao cho xứng đáng với trang sử vẻ vang, với bao thế hệ thầy trò Trường Vĩnh Linh anh hùng…”. 

NGND Lê Phước Long – Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị: “Từ sau khi Quảng Trị được giải phóng(01/5/1972), việc phát triển sự nghiệp giáo dục được đặt ra như một nhu cầu khách quan và bức thiết để phục vụ cho 3 mục tiêu cụ thể: 

1) Bổ túc văn hóa ngay cho số cán bộ du kích đã kinh qua chiến tranh nhưng chưa được học hành đầy đủ để đáp ứng đủ nhu cầu cán bộ cho các địa phương và các ngành; 

2) Đồng thời mở khắp mọi nơi các lớp xóa mù chữ để toàn dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách mới của cách mạng và thiết thực phục vụ cho các đợt bầu cử; 

3) Phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục phổ thông để phục vụ cho việc đào tạo lâu dài. Các trường phổ thông đã phát triển nhanh như một biểu tượng của sức sống mới. 

Đã có 72 trường tiểu học, 8 trường Đệ nhất cấp (trường phổ thông cơ sở) và 1 trường Đệ nhị cấp (trường Trung học phổ thông duy nhất của giáo dục cách mạng miền Nam). 

Giáo viên tại chỗ được đào tạo cấp tốc chỉ được 120 người vì lý do cạn nguồn tuyển. Do đó, Bộ giáo dục đã tổ chức các đợt chi viện giáo viên cho Quảng Trị với số lượng lớn hơn 700 người đến từ 13 tỉnh, thành phố của miền Bắc và Đặc khu Vĩnh Linh tình nguyện đi B”. 


Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn