07:59 ICT Chủ nhật, 13/10/2024
tim kiem

Trang chủ

---Tìm kiếm thông tin Liệt sĩ
trang thong tin dien tu quang tri
trung tam tin hoc
nhan tim dong doi
nnts

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 115

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 7902

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4554922

Hỗ trợ trực tuyến

Nhà đón tiếp thân nhân Liệt sỹ
ĐT: 0533.524811

Văn phòng Sở Lao động Thương binh & Xã hội
ĐT: 0533.851395

Text


Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - Sự kiện

Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Thứ sáu - 02/05/2014 10:03
Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

(Web Quảng Trị) Ngày 30/4/2014, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, một địa danh nổi tiếng, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đã diễn ra Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Đến dự lễ về phía Trung ương có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Thị Kim Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về phía tỉnh Quảng Trị có các đồng chí: Lê Hữu Phúc, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo các sở, ban, ngành; huyện, thị xã, thành phố và đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Đúng 8 giờ sáng, trên nền nhạc hùng tráng, các vị lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Trị đã trang nghiêm làm Lễ Thượng cờ, chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh kỳ đài Hiền Lương lịch sử.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đọc diễn văn ôn lại những năm tháng đấu tranh oanh liệt của quân và dân Quảng Trị cùng cả nước đứng lên chống kẻ thù chung, giành lại nền độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

Năm 1954, cuộc kháng chiến 9 năm của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo đó, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17/sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời, để đến năm 1956, tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Song với dã tâm xâm lược, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên xé bỏ Hiệp định, hòng chiếm đóng lâu dài nước ta. Phần Quảng Trị ở bờ Bắc sông Bến Hải được giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội; phần Quảng Trị ở bờ Nam sông Bến Hải vẫn nằm dưới gót giày của quân xâm lược. Sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương trở thành nơi trực tiếp chứng kiến mọi nỗi đau chia cắt đất nước.
 
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 





Ðể xóa tan đường giới tuyến tạm thời ấy, dân tộc Việt Nam phải đi qua cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, với bao đau thương, mất mát nhưng vô cùng oanh liệt. Hơn 20 năm đau thương, binh lửa, chia cắt, bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn. Một vùng dân ca ngọt ngào Tùng Luật ngập chìm trong khói lửa B52; một dãi đất Gio Linh hiền hòa trở thành vành đai trắng rợn người; một thị xã Quảng Trị sầm uất bỗng chốc hoang tàn, đổ nát bởi phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới thứ hai. 20 năm, đất phủ lên đất, rừng cháy lan rừng; những đứa trẻ Vĩnh Linh phải chào đời dưới lòng địa đạo; khăn tang trắng những xóm làng…

Trước sự đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ, quân và dân vùng tuyến lửa Vĩnh Linh đã kiên cường bám đất, tổ chức ngay dưới lòng đất một thế trận liên hoàn các hệ thống hầm, hào, địa đạo, vừa làm nơi trú ẩn an toàn cho con người, súc vật và tài sản, vừa làm nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng là những pháo đài kiên cố chiến đấu đánh trả quân Mỹ trên cả vùng đất, vùng trời và vùng biển. Mảnh bom, vỏ đạn biến thành công cụ sản xuất, xác máy bay biến thành bàn mổ y tế, vỏ bom bi thành đèn thắp sáng cho con trẻ học bài... Tất cả để tồn tại và chiến thắng kẻ thù.

Ở bờ Nam, với tinh thần quật khởi, quân và dân Quảng Trị đã cùng với bộ đội chủ lực liên tục tiến công vào các hệ thống đồn bốt của Mỹ - ngụy, làm tan rã lần lượt bộ máy chính quyền và các tuyến phòng thủ chiến lược, lập nên những chiến công vang dội. Biết bao người con ưu tú từ khắp mọi miền đất nước đã vĩnh viễn nằm lại trên đất này, hóa thân vào cây cỏ, núi sông để viết nên khúc tráng ca của một thời chiến tranh vệ quốc. Những địa danh Ðường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Thành Cổ... đã đi vào lịch sử dân tộc và sẽ còn vọng mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. 

Chiến tranh đi qua đã để lại trên quê hương Quảng Trị một hệ thống di tích đồ sộ, quy mô và tầm cỡ; không chỉ tạo ra ưu thế vượt trội, đặc sắc riêng có của vùng đất này mà còn góp phần làm đa dạng và phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trong đó, di tích Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là hai trong nhiều di tích tiêu biểu, phản ánh một cách sinh động về một thời bi hùng của quân và dân Quảng Trị cùng cả nước.

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là hai cụm di tích đặc sắc trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước của tỉnh Quảng Trị nói riêng và của cả nước nói chung.

Nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nâng cao vị thế, tầm vóc, quy mô của hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc; đồng thời, tạo cơ sở khoa học và pháp lý cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013 xếp hạng 2 di tích: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt.

Đây chính là sự tri ân sâu sắc của toàn dân tộc đối với những hy sinh của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để viết nên bản anh hùng ca “Thống nhất non sông”. Đây cũng  là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cả nước về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Phát  biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương một lần nữa khẳng định Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nằm ở vị trí chiến lược 2 đầu cầu giới tuyến Bắc – Nam, Quảng Trị trở thành chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất của cuộc đối đầu giữa ta và địch.

Trong mọi hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, ở bờ Bắc sông Bến Hải, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, dũng cảm vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc đầu cầu XHCN, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam; Phía bờ Nam, với ý chí kiên cường “một tấc không đi, một ly không rời”, từ em thơ đến cụ già, ngày nối ngày, đêm nối đêm, đã kiên trì bám đất, giữ vững phong trào đấu tranh bằng nhiều hình thức để góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Với ý chí sắc son đó, Quảng Trị đã cùng với cả nước đã đồng lòng sát cánh, chiến đấu, đập tan âm mưu “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sự hủy diệt tàn khốc đến kinh hoàng của hàng loạt vũ khí tối tân hiện đại mà đế quốc Mỹ  đã đổ lên trên chiến trường Quảng Trị, cùng với đồng bào, chiến sỹ cả nước, quân và dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí quật cường, phối hợp chiến đấu tiếp tục lập nên những chiến công vang dội, đặc biệt là thắng lợi của cuộc chiến đấu kiên cường chống địch phản kích, bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Những giá trị lịch sử, văn hóa của hệ thống  di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, là tài sản vô giá của dân tộc ta và của quê hương Quảng Trị anh hùng, cần được quan tâm bảo vệ và phát huy. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị và của cả nước, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này.

Đồng chí tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị sẽ tận dụng tốt cơ hội này, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để Quảng Trị sớm trở thành một tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất...

Sau Lễ Thượng cờ “thống nhất non sông” và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị và những điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, các đại biểu đã đến báo công, dâng hương, dâng hoa tại Thành Cổ Quảng Trị.
 

Tác giả bài viết: Phạm Mỹ Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn